Báo cáo trên đưa ra dự báo tăng trưởng lạc quan là 8,9%, còn trong trường hợp xấu nhất là 7% nếu cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu tiếp tục kéo dài, châu Âu và Mỹ suy thoái sâu hơn và các biện pháp đối phó tài chính bị trì hoãn. Trước đó, tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương tổ chức ngày 8/12/08, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.
Theo UNDP, Trung Quốc đã đóng góp khoảng 22% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2008, và có thể sẽ đóng góp nhiều hơn trong năm 2009, do hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào suy thoái.
Kinh tế Đông Á sẽ tiếp tục giảm tốc với mức tăng trưởng GDP năm 2009 dự kiến giảm từ 6,9% năm 2008 xuống 6% do thương mại với châu Âu và Mỹ sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến giảm tương ứng từ 2,5% xuống 1%, kinh tế Mỹ giảm 1% và châu Âu 0,7% so với mức tăng trưởng lần lượt 1,2% và 1,1% của năm 2008.
Trong khi đó, HSBC cũng dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng tương đối yếu trong quý I/09 nhưng nhờ gói kích thích lớn công bố trước đó, sẽ đạt mức tăng trưởng trên 8% trong quý II.
Nhà kinh tế trưởng của HSBC về Trung Quốc Qu Hongbin cho rằng những khoản chi mới trong gói kích thích 4.000 tỷ NDT có thể đóng góp từ 2-4% tăng trưởng GDP hàng năm trong vòng 2 năm tới. Đầu tư do chính phủ hỗ trợ sẽ thay thế xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của nước này. Theo ông Qu, mức tăng trưởng khoảng 8% ở Trung Quốc sẽ tạo ra thêm nhu cầu khoảng 3.000 tỷ NDT đến năm 2010, với các nhà xuất khẩu hàng hóa và máy móc hiện đại dự kiến được lợi từ mức tăng trưởng này.