Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa sẽ tăng?
10 | 02 | 2009
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Người tiêu dùng, nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ chịu tác động như thế nào nếu như đề xuất này được chấp nhận?

Ngày 9-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết Văn phòng Chính phủ vừa có công văn cho biết đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu của Bộ NN&PTNT trình Chính phủ đã được chuyển Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh.

Nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn trong nước

Theo ông Giao, trước việc giá sữa nguyên liệu thế giới giảm, các doanh nghiệp chạy theo nhập khẩu sữa bột về chế biến, “bỏ rơi” người nuôi bò sữa trong nước, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng thuế nhập khẩu các loại sữa (vẫn nằm trong lộ trình cam kết WTO). Theo đó, sẽ có 15 mặt hàng sữa nhập khẩu phải chịu mức thuế cao gấp nhiều lần hiện nay.

Cụ thể, đối với sữa và kem chưa cô đặc, chưa pha thêm đường hoặc các chất ngọt khác, mức thuế đề nghị là 18%, thay mức 5% đang áp dụng. Với sữa và kem cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất ngọt khác, mức thuế đề nghị từ 10- 34%, thay cho mức 3-7% hiện đang áp dụng. Việc nâng thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu nhằm đảm bảo quyền lợi người chăn nuôi, thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa trong nước.

Người tiêu dùng sẽ phải tốn thêm tiền nếu thuế nhập khẩu sữa tăng - Ảnh: MINH ĐỨC

Phát động phong trào sữa học đường

Theo ông Giao, cùng với đề xuất Chính phủ tăng thuế nhập khẩu các loại sữa, Bộ NN-PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào sữa học đường, trước hết tập trung vào học sinh mẫu giáo, tiểu học có sự tài trợ một phần của Chính phủ với mức 20-30%.

Ông Hoàng Kim Giao giải thích: Năm 2008, giá sữa các doanh nghiệp thu mua của nông dân đạt (bình quân) 7.000-7.500 đồng/lít (thậm chí có thời điểm doanh nghiệp thu mua đến 8.000 đồng/lít). Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của “cơn bão melamine”, các nhà máy chế biến sữa không còn mặn mà với việc thu mua sữa tươi của nông dân do giá thu mua sữa tươi trong nước cao hơn nhiều so với giá sữa bột nhập khẩu. Vì thế, giá sữa tươi trong nước ngày một giảm (hiện chỉ 6.000-6.500 đồng/lít). Thậm chí nhiều nhà máy không mặn mà với việc thu mua sữa tươi của nông dân, bởi sữa nguyên liệu nhập khẩu về chế biến chỉ 4.200 đồng/lít.

Theo ông Hoàng Kim Giao, hiện sản lượng sữa trong nước mới chỉ đáp ứng 28% nhu cầu sản xuất, các doanh nghiệp chế biến vẫn phải nhập hơn 70%. Với mức thuế nhập khẩu mới (nếu được áp dụng), ông Giao khẳng định sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp. Nếu không tăng thuế nhập khẩu sữa, chắc chắn ngành chăn nuôi bò sữa trong nước sẽ không thể phát triển, và tỉ lệ cung ứng sữa tươi trong nước cho các doanh nghiệp chế biến sẽ không thể tăng như chiến lược phát triển chăn nuôi bò sữa đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT và Chính phủ.

“Trăm dâu” đổ...về người tiêu dùng

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp sản xuất trong nước, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng thuế suất sữa nguyên liệu sẽ là người tiêu dùng. Bởi hiện nay gần 80% nguyên liệu sữa đều được nhập khẩu, sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng cho sản xuất chưa đến 20%.

Ông Trần Bảo Minh, phó tổng giám đốc Vinamilk, cho rằng hiện nay đối với Vinamilk, sữa trong nước chỉ đủ để làm sữa tươi nguyên chất 100%, còn sữa bột hoàn toàn phải nhập khẩu. “Thay vì nâng thuế suất nhập khẩu, nên có chính sách giúp đỡ nông dân sản xuất những sản phẩm có chất lượng, giá cạnh tranh bằng cách hỗ trợ đầu vào. Người nông dân cần được hỗ trợ từ thức ăn chăn nuôi, con giống, kinh nghiệm nuôi trồng... Có như vậy mới giảm được chi phí, cạnh tranh với sữa nhập khẩu”, ông Minh đề xuất.

Không chỉ Vinamilk, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh sữa trong nước đều phải nhập khẩu sữa nguyên liệu chứ chưa thể sản xuất sữa bột từ sữa nước. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, giám đốc Công ty Nutifood, cho rằng với mức thuế đề nghị tăng 10-34%, đứng ở góc độ quản lý, việc bảo hộ cho sự phát triển ngành nghề trong nước là rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể cắt giảm các chi phí, tiết kiệm tối đa nhưng việc tăng giá là không thể tránh khỏi.

Theo các chuyên gia ngành sữa, nguyên liệu sữa chiếm phần lớn giá thành sản phẩm, nên nếu tăng thuế thì mức tăng giá sữa sẽ gần như tương ứng.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường