Vốn cho DN đã rộng cửa!
Ông Nguyễn Thành Biên cho rằng cái hay và điểm khác biệt trong lần hỗ trợ DN lần này là hỗ trợ lãi suất thông qua cho vay thông thường tại các tổ chức tín dụng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã triển khai cho vay hỗ trợ 4% lãi suất, làm cho mức lãi suất trung bình từ 10,5%/năm xuống còn chưa đầy 6,5%/năm. Riêng đối với DN xuất khẩu, lãi suất vay, sau khi trừ ưu đãi chỉ còn 1,5% - 2%/năm. Mức lãi suất đó kịp thời giúp DN giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Thế nhưng, đó chỉ là “cửa mở” cho DN vừa và nhỏ (vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng hoặc sử dụng dưới 300 lao động), còn những DN “lớn” khác cũng bị cuốn theo dòng xoáy suy giảm kinh tế nhưng lại không được ưu đãi 4% lãi vay.
Một số DN thì vẫn kêu ca là khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng, bởi nhiều lẽ nhưng nguyên nhân chính là không có tài sản thế chấp. Vướng mắc đó đã được giải quyết ngay trong hội nghị khi Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14/2009/QĐ-TTg về quy chế bảo lãnh vay vốn theo hướng mở rộng thêm đối tượng DN.
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh cho DN thuộc các thành phần kinh tế có vốn điều lệ tối đa lên đến 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động với mức bảo lãnh tối đa bằng 100% số nợ gốc và lãi phát sinh. Lãnh đạo Ngân hàng Phát triển VN cho biết, DN chỉ cần có dự án kinh doanh và không có lãi suất quá hạn tại các ngân hàng là được xem xét bảo lãnh vay vốn - không cần tài sản thế chấp.
Được bảo lãnh, các DN vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi 4% và được vay dài hạn (trong khi Quyết định 131/QĐ-TTg chỉ cho vay ngắn hạn - dưới 12 tháng). Lãnh đạo Ngân hàng Phát triển VN cho biết, hiện nay lãi suất là 10,8%/năm, nhưng ngân hàng đang kiến nghị hạ xuống còn 7,2%/năm, vậy sau khi ưu đãi lãi suất 4%, DN chỉ phải trả 3,2%/năm.
Kiến nghị: mở rộng đối tượng và tìm đầu ra cho sản phẩm
“Chính sách bù lãi suất là liều thuốc bổ cứu sinh các DN. Thế nhưng, cái khó hiện giờ không phải là vốn mà là “đầu ra” cho sản phẩm” - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM Nguyễn Chiến Thắng nói. Ông dẫn chứng, trong hội chợ giới thiệu sản phẩm mấy tháng trước đây, các doanh nghiệp thuộc hội nhận đầy ắp các đơn hàng, thế nhưng đến tháng rồi, hơn 20% đơn hàng bị rút lại và có nguy cơ sẽ giảm trong những tháng tới.
Hiện nay, giá gỗ thế giới đang giảm, DN không có tiền để nhập gỗ dự trữ (VN hiện nhập khẩu gỗ đến 80%), thế nhưng, thời hạn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cho DN chỉ 8 tháng khiến các DN không dám đầu tư. Do vậy, ông kiến nghị xem xét kéo dài thời hạn hỗ trợ lãi suất để DN mạnh dạn đầu tư sản xuất. Cùng quan điểm này, ông Trương Đình Hòe, Hiệp hội Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản kiến nghị, trong khi người dân “treo ao”, các DN thủy sản gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhưng để đầu tư chăn nuôi cần thời gian dài, ông kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ lãi vay cho DN.
Ông Nguyễn Chiến Thắng cũng cho rằng, nhiều DN đã vay vốn trước đó với lãi suất cao, nhưng Quyết định 131 lại không hỗ trợ lãi suất đối với hợp đồng đảo nợ. Vì vậy, dù có chính sách ưu đãi lãi suất, không ít doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc vì đã “dính” nợ trước với lãi suất cao. Ông đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách hỗ trợ lãi vay cho DN đảo nợ các hợp đồng vay với lãi suất cao trước đó.
Ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng ACB kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN cho biết, Ngân hàng ACB sẵn sàng hỗ trợ DN thanh lý hợp đồng trước thời hạn bằng cách không tính phạt hợp đồng. Còn vấn đề ông quan tâm kiến nghị là Chính phủ xem xét bổ sung đối tượng vay vốn đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất được hưởng ưu đãi lãi suất.
Ông lý giải, thời điểm này, giá máy móc thiết bị thế giới đang giảm là điều kiện tốt để DN đổi mới công nghệ. Hơn nữa, để hỗ trợ DN xuất khẩu, đề nghị giảm thuế thu nhập DN tương ứng với lượng hàng xuất khẩu cho DN mọi thành phần – chứ không chỉ giảm 30% thuế thu nhập DN cho DN vừa và nhỏ như quy định hiện nay. “Đó là cách giải quyết việc làm cho người lao động. Việc cán thép nếu không xuất khẩu thì nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất. Do vậy, tìm thị trường xuất khẩu và hỗ trợ xuất khẩu là vấn đề bức thiết hiện nay” - Chủ tịch Hiệp hội Thép nói. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng khẳng định, năm 2009 sẽ tập trung hỗ trợ và lo “đầu ra” cho sản xuất và xuất khẩu.
Xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu đều giảm (SGGP). – Theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình xuất nhập khẩu tháng đầu năm 2009 giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 1/4 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm như: dầu thô giảm 52,4%; dệt may giảm 33,2%, da giày giảm 25,8%, sản phẩm gỗ giảm 31,7%, điện tử, máy tính, linh kiện giảm 35%, thủy sản giảm 18,6%, cà phê giảm 30%... Riêng mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 130 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm, ước khoảng 4,1 tỷ USD, giảm gần 45% so với cùng kỳ. Nhập siêu trong tháng là 300 triệu USD, bằng 7,9% kim ngạch xuất khẩu. |