Đừng vội hài lòngBáo cáo tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang cho biết trong năm 2008, có 22 vụ ngộ độc thực phẩm (tăng 3 vụ so với năm 2007) khiến 1.590 người mắc (số người mắc giảm hơn năm 2007 là 471 người), không có tử vong. Ngộ độc xảy ra chủ yếu ở các bếp ăn tập thể, một số vụ xảy ra trong trường học.
Từ thực tế này, ông Giang cho rằng ngành y tế đã nỗ lực hết sức để kiềm chế tình trạng trên. Và đó cũng phản ánh phần nào thành quả của công tác kiểm soát VSATTP đối với các sản phẩm từ rau, thịt cho đến thủy hải sản. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng đã được ngành y tế đẩy mạnh giúp người tiêu dùng cảnh giác, lựa chọn những sản phẩm an toàn.
Đặc biệt hiện nay TPHCM đã quy hoạch được gần như 100% vựa rau an toàn. Tại các vùng sản xuất này, nông dân được tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhằm đảm bảo rau không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như nhiễm vi sinh. Trong khi đó, 37 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố cũng tuân thủ giết mổ tập trung.
Đánh giá cao những gì mà TPHCM làm được trong kiểm soát VSATTP, ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, cho rằng ra chợ, ra đường mà không còn thấy giết mổ, buôn bán gia cầm, gia súc bừa bãi là điều rất mừng. Tuy nhiên, theo ông Minh, đừng lấy đó làm hài lòng bởi trong các trường học, trong các khu công nghiệp-khu chế xuất, những bữa ăn của học sinh, của công nhân vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Hơn nữa, dù gì thì vẫn còn đó những doanh nghiệp, cá nhân thiếu trách nhiệm khi sản xuất, kinh doanh, chế biến những sản phẩm kém chất lượng, mất VSATTP.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng, TPHCM thống kê được 36.000 cơ sở kinh doanh, chế biến, buôn bán thực phẩm nhưng đó chỉ là những cơ sở lớn, còn hàng ngàn cơ sở nhỏ lẻ khác, là hàng rong, xe đẩy vẫn có thể gây ngộ độc mọi lúc, mọi nơi. Trong khi đó, tình trạng này ngành y tế vẫn chưa kiểm soát hết được.
Kiểm soát thực phẩm theo “chuỗi”
Từ thực tế nói trên, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang kiến nghị cần sớm hoàn thiện hơn các khung pháp lý cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về VSATTP. Mặt khác, phải sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng cụ thể hơn như xử phạt trường hợp chế biến, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt chủ doanh nghiệp ký hợp đồng suất ăn công nghiệp cho công nhân nếu để xảy ra ngộ độc…
Nhưng để công tác bảo đảm VSATTP được căn cơ, đại biểu Quốc hội Trần Đông A cho rằng TPHCM cần phát huy việc kiểm soát thực phẩm theo “chuỗi”. “Đây là một sáng tạo của TPHCM để khi thực phẩm lên bàn ăn, người dân cũng có thể biết ngay rằng thực phẩm đó được nuôi trồng ở đâu, có chủng ngừa hay chưa…” - đại biểu Trần Đông A nói. Về vấn đề này, đại diện Sở NN-PTNT TP cho biết, 70%-80% sản phẩm động vật cũng như rau xanh cung cấp cho thành phố là từ các tỉnh khác về. Do đó, việc xây dựng mạng lưới “chuỗi” thực phẩm mới có thể kiểm soát được. Chính vì vậy, sở đã liên kết với 8 tỉnh thành khác để trồng rau an toàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho rằng TPHCM đã nỗ lực để kiểm soát VSATTP cho hơn 8 triệu dân. Vấn đề VSATTP gắn liền với phát triển đô thị. Do đó, phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và hoàn thiện quy chế quản lý. Đồng chí Nguyễn Thành Tài hoan nghênh các sở ngành hướng đến kiểm soát VSATTP theo “chuỗi” nhưng yêu cầu rà soát lại các quy chuẩn, tiểu chuẩn hàng hóa phải rõ ràng để qua tuyên truyền, người dân tham gia cùng giám sát.
Ông Đặng Vũ Minh cho biết những gì mà TPHCM làm được sẽ là bài học áp dụng cho các tỉnh thành khác. Trong đó, việc xây dựng “chuỗi” an toàn thực phẩm là mô hình cần nhân rộng. Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường Quốc hội, VSATTP không chỉ là vấn đề nóng trên bàn nghị sự mà còn nóng đến từng doanh nghiệp. Đó cũng là một phản ứng xã hội rất tốt.
Ngay việc công bố số giấy phép đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng cần phải công bố trên nhãn thì đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế cho rằng chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này. Trong khi ông Vang chứng minh Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã có hiệu lực gần 2 năm nay đã quy định.
KIM LIÊN - LÂM TUỆ
Hà Nội: Chưa phát hiện xúc xích có chất độc
Ngày 19-2, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại các siêu thị lớn trên địa bàn để truy tìm sản phẩm xúc xích của Công ty Ballering. Qua kiểm tra tại các siêu thị Metro, BigC Thăng Long và Tiện Lợi, đoàn thanh tra không phát hiện có loại xúc xích này được bày bán.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định, không tìm thấy hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm đối với xúc xích của Công ty Ballering đăng ký với cục. Có nghĩa là loại xúc xích này chưa được nhập vào nước ta theo con đường chính thức và nếu có thì đó là hàng nhập lậu. Cục ATVSTP cho biết sẽ liên hệ trực tiếp với Bỉ và các tổ chức quốc tế liên quan để có thông tin đầy đủ hơn về vụ việc này. Đồng thời, tiếp tục đề nghị lực lượng quản lý thị trường, hải quan xem xét, kiểm tra loại xúc xích nguy hại này.
Ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học
Sáng 19-2, một vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Trường Tiểu học Long Mỹ, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long làm 16 em học sinh lớp 2/2 bị đau bụng, nhức đầu, ói mửa và lạnh tay chân. Ngay sau đó, ở khối lớp 4, lớp 5 cũng có 11 học sinh bị các triệu chứng tương tự. Nhà trường nhanh chóng đưa các em cấp cứu. Trong đó có 14 học sinh được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Long Hồ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Thông tin ban đầu cho biết, hầu hết học sinh bị ngộ độc thực phẩm có ăn thức ăn đường phố ở khu vực gần trường học. |