Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hải Phòng: Rau xanh mất giá - Cần “4 nhà” giúp sức
26 | 02 | 2009
Nông dân nhiều vùng rau chuyên canh của thành phố đang “méo mặt” vì rau mất giá thảm hại. Trong khi đó, tiểu thương "tát nước theo mưa", ép giá rau của nông dân. Giá một yến su hào mua tại vùng rau chuyên canh không quá 1.000 đồng, trong khi đó, người tiêu dùng ở các chợ nội thành vẫn phải mua một củ su hào với giá 500- 1000 đồng. Nhiều địa phương lúng túng trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Rau quá rẻ, nông dân vẫn bị ép giá

Cánh đồng Giồng, xã Thủy Đường (Thủy Nguyên), vắng lặng khác hẳn ngày thường. Rau lên mơn mởn, đến kỳ thu hái nhưng nông dân cứ để mặc rau già. Lác đác có luống rau để hỏng, cỏ mọc cao. Một số nông dân ở đây cho biết, rau hiện giá rẻ thê thảm, nên bà con chẳng thiết thu hoạch. Tầm này hằng năm, bắp cải bán 2000 đồng/cái, su hào 1000- 1500 đồng/ củ, cải cúc 1000- 1500 đồng/ mớ. Hiện nay, giá giảm tới 10 lần. Nhà nuôi lợn thì mang rau về cho lợn ăn, nhà mang ra phố làm quà cho người thân, nhà thì để rau hỏng ngoài ruộng. Chị Nguyễn Thị Ấm thôn Trại, xã Trung Hà (Thủy Nguyên) buồn rầu cho biết: “Giá su hào rẻ như cho không. Tuần trước một yến su hào tư thương mua 4-5 nghìn đồng, nay giá còn 1.000 đồng. Tôi vừa bán 3 gánh rau to mới được 27.000 đồng, không đủ tiền rau giống”. Chị Ấm nhớ lại thời điểm khi rau được giá, người mua tấp nập, những người mua buôn từ Quảng Ninh ra tận ruộng lấy hàng.

Tại một số chợ đầu mối như chợ Đổ, chợ Tam Bạc, chợ rau đêm An Dương, tiểu thương "tát nước theo mưa", ép giá rau của nông dân, lợi dụng việc nông dân đi xa, ngại mang rau ế về nên ép bán cả tạ rau với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Sau đó bán lẻ tại các chợ nhỏ trong nội thành, họ đưa giá lên gấp nhiều lần. Chẳng hạn, tại chợ Tam Bạc, các tiểu thương thu mua cà chua chỉ 700- 1000 đồng/kg, bán ra thị trường 5.000- 6.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hiền bán rau tại chợ này chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền) cho biết: “Chúng tôi mua vào 6.000 đồng/kg cà chua, nhưng bán ra chỉ lãi 1.000 đồng”. Có thể thấy, do qua quá nhiều khâu trung gian, nên dù giá rau rẻ hơn trước rất nhiều lần nhưng rau đến tay người tiêu dùng vẫn cao giá hơn. Chỉ có nông dân là thiệt thòi.

Cần sự “vào cuộc” của “4 nhà”

Ông Bùi Văn Tông, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn (Kiến Thụy) cho biết: “Xã Tú Sơn có 75 ha chuyên trồng rau quanh năm. Hiện nay, giá rau quá rẻ, nhiều người muốn bỏ rau, trồng cây khác mong bù lại thu nhập. Để giữ được vùng chuyên canh rau sau bao năm quy vùng sản xuất hàng hóa, chính quyền địa phương “vào cuộc” vận động nông dân giữ nghề trồng rau truyền thống. Nhiều năm qua, nhờ trồng rau, xã Tú Sơn giàu lên, người dân ổn định thu nhập. Việc rau một giá như hiện nay chỉ có tính thời điểm, sang vụ hè thu, rau xanh lại lên giá. Xã đang phối hợp với một số doanh nghiệp, đơn vị ký hợp đồng sản xuất rau với nông dân. Thực tế ở Tú Sơn cho thấy, những khu vực nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp, rau vẫn được thu mua ở mức giá ổn định như trong hợp đồng”.

Nhưng nhiều xã trồng rau nhỏ lẻ giải quyết tình hình rau mất giá khá lúng túng. Phó chủ tịch UBND xã Đại Hợp (Kiến Thụy) cho biết: “Chưa bao giờ người trồng rau lại lao đao như thế. Ở Đại Hợp, do diện tích rau chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, người dân sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, nên chính quyền không thể can thiệp. Xã chỉ có thể hỗ trợ nông dân về khâu sản xuất, còn việc tiêu thụ, nông dân vẫn phải tự lo. Tình trạng này, những vụ sau, vận động nông dân mở rộng diện tích rau màu chắc sẽ khó”. Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho rằng: “Không nên để nông dân “tự bơi”. Chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp cần “vào cuộc” giúp bà con”. Việc mở rộng diện tích trồng rau màu vẫn cần thiết, vì rau cho thu nhập gấp 2-3 lần cấy lúa, giúp quay vòng sản xuất nhanh. Trước mắt, các địa phương nên tìm hướng giúp nông dân tiêu thụ rau màu với giá ổn định, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con, tránh để tư thương ép giá. Cùng với đó là tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích trồng rau màu trên cơ sở quy vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào ký hợp đồng sản xuất với nông dân, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thực hiện hợp đồng. Trung tâm Khuyến nông đang tích cực tìm kiếm doanh nghiệp chế biến nông sản để thu mua rau cho nông dân vùng chuyên canh; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc ký hợp đồng sản xuất với nông dân trong vụ hè thu và vụ đông năm tới, tránh tình trạng bế tắc đầu ra như hiện nay.



Nguồn: khuyennong
Báo cáo phân tích thị trường