Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thức ăn chăn nuôi lại tăng giá:Càng nuôi càng lỗ
03 | 03 | 2009
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam, giá một số loại TĂCN tăng rất nhanh trong mấy ngày gần đây. Giá nhập khẩu khô dầu đậu tương tại cảng Hải Phòng là 435 USD/tấn, tại cảng TP Hồ Chí Minh là 230 USD/tấn, tăng trung bình khoảng 40% so với tháng 10-2008. Giá ngô nhập khẩu và giá ngô trong nước đã tăng từ 3.400 lên 4.200 đồng/kg, giá nhập khẩu đã tăng lên 210 USD/tấn, tức tăng 10-15% so với tháng 10-2008. Nếu như vào thời điểm cuối năm 2008, giá đậu nành dao động ở mức 6.800-7.000 đồng/kg thì nay đã lên 9.600-10.000 đồng/kg; tấm 3.600 đồng/kg lên 5.400 đồng/kg.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho biết: Giá TĂCN tăng đột ngột trong mấy ngày gần đây do nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng. Nguồn nguyên liệu TĂCN trên thế giới đang rất khan hiếm. Giá TĂCN trên thị trường thế giới tăng mạnh bắt nguồn từ nạn hạn hán ở miền Nam Trung Quốc. Ngay từ đầu năm 2009, nước này đã đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu TĂCN từ Ấn Độ, Ác-hen-ti-na, Mỹ... Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu TĂCN trên thị trường thế giới liên tiếp biến động mạnh khiến các DN nhập khẩu nguyên liệu không dám nhập hàng. Bởi vậy, trong nước luôn luôn thiếu nguyên liệu đầu vào, dẫn đến tình trạng mất cân đối thị trường, đẩy giá tăng đột biến.

Hầu hết chủ trang trại (TT) chăn nuôi lớn đều tỏ ra lo ngại trước đợt tăng giá này. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, một chủ TT chăn nuôi lớn của HTX Dịch vụ chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội): Từ sau Tết Nguyên đán, các TT lớn đều ồ ạt nhập giống để tăng đàn với giá giống cao hơn trước Tết nhiều lần. Nay giá TĂCN tiếp tục tăng trở lại, nguy cơ phá đàn, càng nuôi càng lỗ của các TT là rất lớn. Thêm nữa, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đã có hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết rét, chết và tiêu hủy do dịch bệnh… Sau một năm làm ăn thất bát, nếu năm 2009 này ngành chăn nuôi tiếp tục lỗ nặng thì khả năng vực dậy là hết sức khó khăn.  

Nghịch lý cung - cầu

Trong khi giá TĂCN trong nước tăng trở lại thì có một nghịch lý là nông dân nhiều vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến TĂCN ở nước ta lại rơi vào bước đường cùng do không bán được sản phẩm. Điển hình, trong suốt tháng 1 và tháng 2 năm 2009, giá sắn thu mua tại ruộng của nông dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Tây Ninh, Bình Phước… có lúc chỉ không đến 1.000 đồng/kg mà chẳng có ai mua. Nhiều nông dân ở vựa ngô Sơn La cũng trong tình cảnh tương tự. Trên nửa triệu tấn ngô của Sơn La đã phải "đắp chiếu" từ tháng 10-2008 cho đến nay. Giá xuống thấp chỉ còn 1.500 đồng/kg ngô bắp và 2.200 đồng/kg ngô hạt (giảm 50%) vẫn không có người mua.

Có một nghịch lý: Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng các loại nguyên liệu như ngô, cám gạo, đậu nành… đều đang phải nhập khẩu với khối lượng lớn, trong đó có tới gần nửa triệu tấn ngô. Việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu không những khiến ta phải phụ thuộc vào biến động giá của thị trường thế giới, vận chuyển mà còn phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, khiến giá TĂCN ở nước ta cao hơn các nước khác trong khu vực.

Theo lãnh đạo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, để giải quyết tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như vừa qua, Nhà nước nên quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành chăn nuôi trên cơ sở khuyến khích một số vùng chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô, sắn…, cần có chiến lược phát triển lâu dài, ổn định và chiến lược thị trường hợp lý để chủ động nguồn nguyên liệu. Người chăn nuôi cũng nên chủ động tự chế biến nguồn thức ăn để giảm thiểu thiệt hại cho mình.



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường