Tại Thái Lan, các giao dịch cao su đã trở nên ít sôi động hơn khi một trong những khách hàng lớn của họ là Trung Quốc vẫn tỏ ra không mấy vội vã trong việc tìm mua hàng từ Thái Lan bởi nhu cầu của Trung Quốc chỉ nhằm đáp ứng việc gây dựng kho dự trữ. Nếu nhu cầu vẫn trì trệ như hiện nay, chắc chắn giá cao su sẽ còn tiếp tục giảm, mặc dù nguồn cung lúc này cũng đang chậm dần, vì các nước Đông Nam Á bước vào mùa đông.
Xuất khẩu cao su tự nhiên của Malaysia tháng 9/2006 giảm 1,9% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 98.125 tấn. Sản lượng cao su tự nhiên của nước này tháng 9 đạt tổng cộng 113.209 tấn. Malaysia nhập khẩu một số loại cao su, và xuất khẩu một số loại khác.
Dự trữ cao su tự nhiên tính đến cuối tháng 9 đạt 200.274 tấn, tăng 12,9% so với cùng tháng năm ngoái. Tiêu thụ trong tháng 9 giảm 7,3% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 31.199 tấn. Giá cao su SMR20 trung bình trong tháng 9 là 6,64 ringgit/kg, tăng 13,2% so với cùng tháng năm ngoái.
Sản lượng cao su Indonexia trong tháng 12/2006 dự báo sẽ giảm 50.000 tấn xuống 120.000 tấn do mưa nhiều bất thường ở những khu vực trồng cao su của Indonexia. Dự báo sản lượng cao su nước này năm 2007 sẽ đạt 1,9 đến 2,1 triệu tấn. Sản lượng cao su Indonexia đang giảm mạnh sau khi tăng khá trong 5 tháng đầu năm. Thời tiết nóng bất thường và mùa đông ở một số khu vực trồng cao su đã làm giảm 30-40% sản lượng cao su ở miền tây nước này giai đoạn tháng 8-9/2006 so với mức trung bình tháng của năm nay. Gapkindo lo ngại rằng giá cao su tự nhiên giảm sẽ làm giảm lợi nhuận của ngành.
Sau khi lên tới khoảng 1,7 USD/kg hồi đầu năm, giá cao su RSS3 tại Singapore đã tăng tới trên 2,80 USD/kg hồi tháng 7, nhưng hiện đã giảm xuống gần như giá hồi đầu năm, 1,74 USD/kg. Tuy nhiên, nếu giá cao su cứ tiếp tục tăng, cao su tự nhiên sẽ mất dần thị trường về tay cao su tổng hợp. Mặt khác, chính nông dân cũng phải mua lốp xe để dùng. Theo các nhà chuyên môn, giá cao su tự nhiên tại Singapore ở mức 1,65-2 USD/kg là lý tưởng nhất cho các nhà sản xuất Indonexia. Dự báo nhu cầu cao su tự nhiên chắc chắn sẽ tiếp tục tăng dần cùng với đà tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước đang phát triển khác, vì nó vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng hơn cao su tổng hợp.
Chủ tịch Hiệp hội các nước sản xuất Cao su Quốc tế (ANRPC), Philip Pondikou, dự báo sản lượng cao su tự nhiên thế giới sẽ tăng khoảng 3% trong năm 2006 và 2007. Việt Nam và Indonexia sẽ tăng đều đặn sản lượng trong những năm tới, và sản lượng của những nước sản xuất lớn khác cũng sẽ tăng. Dự báo sản lượng cao su tự nhiên thế giới sẽ tăng 3,18% trong năm nay, đạt 9,08 triệu tấn, và tăng 3,08% năm 2007 đạt 9,36 triệu tấn.
Sản lượng tăng mấy năm gần đây chủ yếu nhờ năng suất sản xuất tăng lên. Những năm tới, những nước sản xuất có chi phí thấp sẽ nổi lên thành những nước sản xuất lớn, trong khi những nước sản xuất lớn như Thái Lan và Ấn Độ cũng sẽ tăng diện tích trồng cây.
Giá cao su, US cent/kg, FOB:
Xuất xứ | Loại | Kỳ hạn | 17/11 | 10/11 |
Thailand | RSS3 | Oct/Nov | 165 | 175 |
| STR20 | Oct/Nov | 166 | 175 |
Indonesia | SIR20 | Oct | 161 | 170-173 |
Malaysia | SMR20 | Oct | 163 | 173 |