Hơn 80 quốc gia sử dụng hạt tiêu Việt Nam
Nhìn chung, hạt tiêu được trồng tại nhiều địa phương từ Quảng Trị đến Kiên Giang, nhưng có 6 tỉnh trọng điểm là Đồng Nai, Đắc Lắc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai và Đắc Nông. Các tỉnh nói trên duy trì thường xuyên một sản lượng hạt tiêu lớn và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới tính từ năm 2001 đến nay, với lượng xuất khẩu bình quân 70.600 tấn/năm vào thị trường 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2008, cả nước xuất khẩu 100 ngàn tấn, đạt kim ngạch 340 triệu USD, tương đương sản lượng và giá trị năm 2007. Hai tháng đầu năm nay xuất khẩu 16 ngàn tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt kim ngạch 36 triệu USD. Quá trình trồng, chế biến hạt tiêu đã quy tụ hàng trăm thương lái, đại lý và các doanh nghiệp (DN) thu mua cung cấp cho khoảng 100 DN chế biến, tạo ra sản phẩm sau thu hoạch và xuất khẩu. Chuỗi công việc với những công đoạn khác nhau liên quan đến hạt tiêu thương phẩm đã thu hút hàng trăm ngàn lao động, chủ yếu tại những địa phương kinh tế chưa phát triển, vùng xa, vùng sâu. Điều này có ý nghĩa lớn trong tạo việc làm, thu nhập ổn định và từ đó bình ổn đời sống xã hội cũng như từng bước góp phần CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Điều đáng mừng là chất lượng hạt tiêu Việt Nam hiện được bạn hàng đánh giá rất cao, đủ sức đáp ứng nhu cầu của đối tác và người tiêu dùng thông qua những sản phẩm ngày càng đa dạng. Những thế mạnh và thực tế trên đã giúp thương hiệu hạt tiêu Việt Nam toả sáng.
Phát huy tiềm năng, phòng tránh bất lợi
Từ khi gia nhập WTO, ngành hạt tiêu nước ta đứng trước vận hội và thách thức mới. Các chuyên gia nhận định, hiện chu kỳ thị trường hạt tiêu quốc tế đang có lợi cho sản xuất và xuất khẩu, tạo thuận lợi cho việc mở rộng quy mô trồng loại cây này. Dự báo, sản lượng hạt tiêu toàn quốc sẽ đạt khoảng trên 100.000 tấn/năm và tiếp tục gặt hái kết quả khả quan do lượng cung vẫn chưa đáp ứng đủ cầu trên thị trường thế giới. Đây là thông tin rất đáng mừng, có ý nghĩa to lớn về mặt KT-XH, nhất là đối với người trồng, chế biến và kinh doanh mặt hàng này. Trước tiềm năng lớn về sản lượng và đầu ra, các DN, hộ gia đình cần chủ động huy động các nguồn vốn, đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất phục vụ các công đoạn trồng trọt, chăm sóc và chế biến để đạt giá trị gia tăng cao hơn trên mỗi đơn vị diện tích trồng. Đặc biệt, cơ quan quản lý, ngành nông nghiệp cần quan tâm, thường xuyên tư vấn cho các đơn vị trong việc nhập và duy trì những giống hạt tiêu chất lượng cao; xây dựng quy trình chăm sóc cây trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm…
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số tồn tại, bất lợi đối với ngành này. Đó là tình trạng non kém trong hoạt động cung cấp thông tin về nhu cầu tiêu dùng và thị trường, nhất là sự thay đổi về giá trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các DN cần nhanh chóng tìm tiếng nói đồng thuận, tăng cường liên kết cũng như chủ động tham gia hoạt động chung trong khuôn khổ hiệp hội. Hiệp hội cần phát huy tiềm năng, vai trò là cầu nối giữa các DN, giữa DN với cơ quan quản lý và bạn hàng quốc tế. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, nếu DN và hộ trồng tiêu thống nhất được mức giá ổn định và hợp lý sẽ góp phần xoá bỏ hiện tượng tranh mua, tranh bán, khắc phục tình trạng tự ý đẩy giá lên cao hay ép giá, gây thiệt hại không đáng có. Làm được như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của hạt tiêu.