Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu nguyên liệu thuỷ sản xuất khẩu: Gỡ từ khâu thức ăn…
13 | 03 | 2009
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu thuỷ sản về chế biến, nhập nguyên liệu thức ăn và tự tổ chức nuôi trồng. Còn nông dân thì thua lỗ treo ao…

Thực trạng này là hậu quả mối quan hệ giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, như những mảnh ghép hời hợt, dễ dàng vỡ vụn do mạnh ai nấy lo quyền lợi của mình.

Phải nhập nguyên liệu

Theo tin từ hội thảo mới đây do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức, trong mối quan hệ này, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi chưa có liên kết chặt để cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Người nuôi không rõ bán cho ai vẫn cứ nuôi. Còn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không cần quan tâm tổ chức sản xuất nguyên liệu, không liên kết và không có trách nhiệm với người nuôi.

Do sự gắn kết trong tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường lỏng lẻo như vậy, nên từ nhiều năm nay, một mặt do nguồn nguyên liệu thuỷ sản trong nước không đáp ứng đủ, mặt khác do giá thành nguyên liệu trong nước cao, nên nhà chế biến đã phải nhập nguyên liệu bên ngoài. Số liệu thống kê của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) trong ba năm qua, Việt Nam nhập nguyên liệu thuỷ sản từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị 200 – 250 triệu USD mỗi năm. Riêng năm 2008, tổng sản lượng nhập nguyên liệu và bán thành phẩm các loại xấp xỉ 122.196 tấn, chiếm hơn 3% tổng sản lượng thuỷ sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch VASEP, cho rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu là cần thiết, vì nhiều loài như cá hồi, cá thu hay tôm biển, bạch tuộc chúng ta không có ưu thế, thậm chí không đánh bắt được. Nếu doanh nghiệp mua về chế biến sẽ tạo ra thêm lợi nhuận, tạo công ăn việc làm. “Chúng tôi chỉ đề nghị cho cơ chế rộng cửa nhập những loại nguyên liệu mà trong nước không sản xuất được, hoặc không gây hại đến ngành nuôi trồng trong nước, như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng”, ông Dũng nói. Theo ông, nếu mỗi năm nhập được khoảng 1 – 2 tỉ USD nguyên liệu thuỷ sản, thì có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản thêm 1,8 – 3,5 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu lên 6 – 8 tỉ USD, xếp vị trí thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Còn những nguyên liệu mà trong nước sản xuất được, cần tính toán hạ giá thành…

Nhập khẩu thức ăn và tổ chức lại sản xuất

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, với các nguyên liệu bắp, mì lát, cám gạo, nguyên liệu bột cá… nếu khâu sản xuất, trồng trọt được tổ chức, quy hoạch tốt thì có thể sử dụng dư thừa cho chế biến thức ăn thuỷ sản. Thế nhưng, đến thời điểm này, những loại nguyên liệu nói trên, vốn chiếm tới 60 – 70% trong công thức sản xuất thức ăn vẫn phải lệ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Đây là nguyên nhân chính được doanh nghiệp cung ứng thức ăn viện vào để tăng giá sản phẩm, hoặc chậm trễ giảm giá khi nguồn nguyên liệu trên thế giới giảm giá mạnh.

Cũng theo VASEP, sự độc quyền của một số đại gia trong ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản (cá tra, tôm) đang tạo ra mức giá thức ăn tại Việt Nam cao bất hợp lý so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Ấn Độ.

Ông Dũng phân tích, giá thức ăn chăn nuôi chiếm 70% chi phí giá thành nuôi tôm, cá. Thời điểm này, nhiều loại nguyên liệu thức ăn nhập khẩu giảm “tận đáy”, nhưng, giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi vẫn cao hơn 15 – 20% so với nhập thành phẩm từ bên ngoài.

Cuộc họp tìm giải pháp gỡ khó xuất khẩu thuỷ sản 2009 mới đây, VASEP đã kêu gọi nhà sản xuất thức ăn phải giảm ngay giá bán, nếu muốn cứu cả ngành nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Chủ tịch Vasep, ông Trần Thiện Hải còn thẳng thừng cảnh báo, nếu không sớm điều chỉnh giá bán, doanh nghiệp chế biến thuỷ sản bắt buộc phải tự nhập khẩu thức ăn có giá rẻ hơn để giảm chi phí nuôi trồng. Giá thành nuôi tôm sú đạt 50 con/kg ở Indonesia chỉ 47 – 48.000đ/kg, trong khi ở Việt Nam là 63.000đ/kg.

Lời cảnh báo ngay lập tức được hai thành viên đầu tiên là công ty cổ phần thuỷ hải sản Minh Phú và công ty đầu tư phát triển Hạ Long hưởng ứng. Hai đơn vị này đã nhập thức ăn tôm từ Thái Lan về sử dụng cho trên dưới 1.000 hecta ao nuôi. Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ hải sản Minh Phú, cho biết, so với giá thức ăn của Việt Nam, khoảng trên 16.000đ/kg thì giá nhập từ Thái Lan chỉ có 12.000đ/kg.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Hùng Vương, Vĩnh Hoàng… còn bỏ tiền đầu tư, mua sắm dây chuyền tự sản xuất thức ăn. Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương nói, việc quyết định đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn, sản lượng 200.000 tấn/năm, một mặt quản lý được chất lượng thức ăn, mặt khác đưa sản phẩm có giá thấp hơn cho người nuôi cá.

“Người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản sống thì doanh nghiệp cung ứng thức ăn mới sống theo được”, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lương Lê Phương khẳng định như vậy. Ông Phương cũng cho biết bộ này ủng hộ những người lệ thuộc vào nguồn thức ăn sản xuất trong nước, và sẽ vận động để sớm hạ thuế nhập khẩu, dọn đường cho doanh nghiệp nhập thức ăn.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường