Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xúc tiến xuất khẩu gỗ trên “sân nhà”
17 | 03 | 2009
Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tài Anh ở Ninh Bình không thể ngờ rằng trong đợt tham gia hội chợ đồ gỗ Vifa 2009 (từ 11 tới 14-3 tại TPHCM) lại có thêm một khách hàng mới ở Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), một thị trường khá mới mẻ với đồ gỗ Việt Nam.

Trong 4 ngày diễn ra hội chợ, Công ty Tài Anh đã gặp một khách hàng là doanh nghiệp nhập khẩu gỗ đến từ Dubai của UAE và hai bên đã ký ngay một hợp đồng xuất khẩu gỗ mang tính “chào hàng” ban đầu trị giá 50.000 đô la Mỹ.

Tuy giá trị lô hàng không lớn nhưng vị đại diện công ty lại cho rằng, nó mở ra cơ hội cho công ty thâm nhập thị trường UAE - quốc gia được coi là cửa ngõ thâm nhập thị trường Trung Đông.

Mở thị trường mới

Đúng như phương châm của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), nhà tổ chức Vifa 2009, mục tiêu của hội chợ lần này là giữ thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật, mở thêm thị trường mới trong bối cảnh xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều khó khăn vì khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu.

Không chỉ Tài Anh mà trong đợt hội chợ Vifa 2009, nhiều doanh nghiệp gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ đã tìm thêm được nhiều khách hàng ở các thị trường mới.

Saigon Palm, một nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong thời gian hội chợ, ký được 7 hợp đồng và ghi nhớ với các khách hàng, trong đó có một khách hàng đến từ Algeria, một quốc gia châu Phi.

Còn lâu nay, Nam Phi, vốn được các doanh nghiệp gỗ Việt Nam xem là nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam chứ không phải là thị trường tiêu thụ đồ gỗ, vậy mà Scansia Pacific ở TPHCM ký được một hợp đồng xuất khẩu đồ gỗ sang quốc gia này.

Công ty TNHH gỗ Bảo Hưng ở Bình Dương thì lại tìm được đối tác mua hàng ở Mexico, thị trường cũng khá mới với công nghiệp gỗ Việt Nam lẫn công ty này. Công ty Thompson thì ký được 4 hợp đồng trực tiếp tại hội chợ, trong đó có một hợp đồng xuất khẩu sang Nga, cũng là thị trường mới.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, ngoài các thị trường truyền thống thì trong hội chợ Vifa 2009, có nhiều khách hàng đến từ các thị trường khá mới mẻ với đồ gỗ Việt Nam như Nga, Czech, Algeria, Nam Phi, Canada, Mexico, Trung Đông…

“Xúc tiến xuất khẩu ngay trên “sân nhà” mà tìm được các thị trường mới là thành công của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong tình hình khó khăn hiện nay”, ông Hạnh cho hay.

Bán hàng xuất khẩu tại chỗ

Ông Nguyễn Bá Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần mỹ nghệ và đồ gỗ Liên Minh, một doanh nghiệp trực thuộc Hawa và thực hiện Vifa 2009, cho biết hội chợ diễn ra trong bối cảnh thông tin xuất khẩu gỗ tụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp mất thị trường, sức mua đồ gỗ thế giới thì giảm, nên ông lo lắng rất nhiều.

“Nhiều cái lo lắm, nào là lo có khách hàng tới hay không dù họ đã đăng ký qua email, qua fax; rồi lo doanh nghiệp có tìm được khách hàng không”, ông Tuấn tâm sự. Nhưng cuối cùng, hơn 700 đoàn khách của các công ty nhập khẩu gỗ đăng ký với nhà tổ chức Vifa 2009 gần như đều đã tới tham quan hội chợ.

Một thành công khác mà ông Tuấn cho là khá bất ngờ khi lượng khách tham quan tới hơn 15.000 lượt người, trong đó 60% là khách nước ngoài. Và năm nay, hơn phân nửa khách nước ngoài đến từ thị trường EU và các quốc gia Đông Âu.

Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty gỗ Trường Thành ở Bình Dương, cho rằng tình hình xuất khẩu gỗ ảm đạm như hiện nay mà phần lớn khách nước ngoài đến là “khách thực sự có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp”. Ngay tại hội chợ, Trường Thành đã ký được 6 hợp đồng xuất khẩu trị giá 1,8 triệu đô la Mỹ.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ban tổ chức hội chợ, trong 4 ngày hội chợ diễn ra có 129 hợp đồng xuất khẩu, bản ghi nhớ được ký kết trị giá hơn 70 triệu đô la Mỹ. Có doanh nghiệp như Công ty Mỹ Tài ở Bình Định trong một ngày ký 30 hợp đồng xuất khẩu, còn Công ty Minh Thành thì khách hàng nước ngoài ký mua và thanh toán ngay tại hội chợ một đơn hàng trị giá 40.000 đô la Mỹ.

Sau khi hội chợ kết thúc, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, từ thành công của Vifa 2009 cho mặt hàng gỗ, chứng tỏ các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam nếu biết cách xúc tiến vẫn có thể tìm kiếm khách hàng, thị trường mà không nhất thiết phải ra nước ngoài tốn kém chi phí.

Do vậy nên 150 doanh nghiệp tham gia Vifa 2009 đều đăng ký tham gia tiếp Vifa 2010 vào năm tới và gần 30 doanh nghiệp gỗ khác không tham gia hội chợ lần này nhưng khi tham quan hội chợ cũng đã đăng ký với ban tổ chức.





Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường