Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh Hóa: Nông dân khóc... trên đồi sắn
23 | 03 | 2009
Những đồi sắn tươi tốt, cho năng suất cao không mang lại niềm vui cho người nông dân ở huyện Như Xuân, Bá Thước... trái lại, họ đang phải đối diện với thực trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” vì sắn nguyên liệu rớt giá thảm hại.

Rớt giá nguyên liệu sắn, tiền bán sắn không đủ để chi trả cho vật tư đầu vào, tiền thuê lao động thu hoạch, vận chuyển sắn là nguyên nhân khiến cho hàng nghìn hécta sắn tại Thanh Hoá vẫn chưa được thu hoạch vào cuối vụ.

Theo lịch thời vụ, đầu tháng 4/2009, việc thu hoạch vụ này đồng thời trồng sắn niên vụ 2009- 2010 sẽ kết thúc, ấy vậy mà trên nhiều ngọn đồi, cây sắn vẫn trơ mình với nắng, mưa. Tại huyện miền núi Như Xuân có 2.850 ha sắn nguyên liệu, với năng suất bình quân là 20 tấn/ ha, đến nay vẫn còn tới hơn 2.000 ha chưa được thu hoạch.

Nhiều xã có nhiều diện tích sắn như Xuân Hòa gần 400 ha, Thượng Ninh 380 ha, Tân Bình 258 ha, Bãi Trành 236 ha, Xuân Bình 180 ha, Yên Lễ 180 ha... có nơi mới chỉ thu hoạch chưa được một phần ba diện tích. Hiện nay, giá sắn bán tại ruộng chỉ được từ 370- 420 đồng/kg (tùy từng địa điểm); còn bán tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân cũng chỉ được 510 đồng/kg.

Trong khi đó, vụ trước giá sắn nguyên liệu đầu vụ được Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân thu mua với mức 800 đồng/kg, cuối vụ giá tăng lên 1.200 đồng/kg. Theo tính toán của người dân, với mức giá thu mua của niên vụ này thì nông dân đang lỗ từ 1- 2 triệu đồng/ha trồng sắn nguyên liệu.

Hàng nghìn tấn sắn tươi thu hoạch xong đổ đống trên đồi không ai mua. Về xã Xuân Hoà, huyện Như Xuân, lác đác trên vài ngọn đồi có người đang thu hoạch sắn. Người dân tự tổ chức phương thức phụ giúp nhau thu hoạch để bớt tiền chi phí, vậy mà tiền bán sắn cũng không đủ chi trả phân bón, giống ... cho cả vụ.

Ông Đặng Thông Tư- phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Niên vụ 2008- 2009, toàn huyện trồng được 2.850 ha sắn nguyên liệu, tăng hơn niên vụ trước 900 ha. Đầu vụ, Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của 1.400 ha sắn nguyên liệu cho nông dân, với giá 510 đồng/kg.

Tuy nhiên, do có sự biến động của thị trường xuất khẩu tinh bột sắn ở Trung Quốc, Đài Loan (nơi nhập khẩu tới 99% số lượng tinh bột sắn của nhà máy), bạn hàng không mở cửa nhập khẩu; giá tinh bột sắn trên thị trường giảm mạnh từ 7.000 đồng/kg xuống còn 3.700 đồng/kg, nên kéo theo sắn nguyên liệu tiếp tục rớt giá thảm hại, gây khó khăn, thua lỗ cho bà con nông dân.

Được biết, hiện nay hàng chục tấn tinh bột sắn mà nhà máy sản xuất từ đầu vụ đến nay vẫn nằm trong kho, chưa tiêu thụ được, nên tiến độ thu mua sắn nguyên liệu cho bà con nông dân bị chậm lại.

Còn tại huyện Bá Thước- vùng nguyên liệu sắn chủ lực của Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bá Thước (thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa) cũng đang trong tình trạng khó khăn trăm bề khi tinh bột sắn không xuất khẩu được.

Thực trạng này cũng đang xảy ra ở nhiều huyện trồng sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá như: Như Thanh, Thường Xuân, Quan Sơn, Lang Chánh... Do vậy đã đẩy người trồng sắn ở xứ Thanh vào thế càng khó khăn hơn, khi sắn tươi không bán được, mà sắn khô cũng chẳng ai mua. Tuy nhiên, điều mà nhiều nông dân trồng sắn hoang mang, lo lắng là hiệu quả sản xuất của nhà nông phụ thuộc vào sự may rủi do thời tiết, thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh bột của nhà máy và tư thương. Trong khi đó, người nông dân lại không có sự “bảo hiểm” nào của chính quyền địa phương khi tình trạng rớt giá sắn nguyên liệu xảy ra.




Nguồn: Việt Linh
Báo cáo phân tích thị trường