Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đổi mới doanh nghiệp thời suy giảm
27 | 03 | 2009
Làm sao vượt qua sóng gió thời kinh tế suy giảm đang đòi hỏi mỗi doanh nghiệp (DN), doanh nhân phải có cách làm hợp lý để huy động tối đa nguồn lực của mình. Đó có thể là DN sẽ tìm cách chiếm lĩnh thị trường nội địa hoặc phải kiên quyết tái cấu trúc lại DN để phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Đầu tư làm mới mình

Câu chuyện mặt hàng vải lụa Thái Tuấn thành công và tạo được thương hiệu mạnh từ hơn chục năm trước như một chuyện cổ tích, thế nhưng đã đến lúc cần phải viết tiếp câu chuyện này nếu không câu chuyện cổ tích dù có hậu cũng sẽ bị mai một dần. Bởi vì khá lâu, các mặt hàng của Thái Tuấn vẫn chỉ là lối cũ với những bộ sưu tập vải các loại dành cho áo dài…

Chính vì thế, đầu năm nay, Thái Tuấn đã làm mới mình trên thị trường bằng một nhãn hiệu thời trang mới Silki. Đó là dòng thời trang cao cấp dành cho phụ nữ với các loại váy áo thời trang, váy áo ngủ… được thiết kế đẹp mắt trên nền vải lụa, tơ bóng do công ty sản xuất.
 
Một mặt bằng rộng trên đường Lê Văn Sỹ được trang trí  sáng trưng ánh đèn và lấp lánh bởi các bộ mẫu; một đội ngũ các nhà thiết kế trẻ mới được tuyển dụng đang tăng tốc đưa ra những bộ thiết kế mẫu mới; một chương trình khuyến mãi với hàng ngàn giải thưởng được Thái Tuấn áp dụng góp phần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao cấp và thay thế nhu cầu sử dụng hàng ngoại vốn có của một bộ phận khách hàng.

Không chỉ Thái Tuấn, nhiều doanh nghiệp trong ngành thời trang đã bắt đầu chú trọng đến những thương hiệu mới dành cho thị trường nội địa như NinoMaxx, Nhà Bè, Việt Tiến… Chỉ trong 6 tháng qua, NinoMaxx đã mở thêm 8 cửa hàng ở TPHCM và 2 cửa hàng ở Đà Nẵng, nâng tổng số các cửa hàng hiện có của NinoMaxx trên cả nước lên 78 cửa hàng.

Còn May Nhà Bè đã thuê một công ty chuyên làm thương hiệu hỗ trợ định vị dòng thời trang mới cao cấp Mantana và De Celso. Bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc May Nhà Bè cho biết, trong năm 2009, May Nhà Bè sẽ mở thêm 200 đại lý nữa trong cả nước, đồng thời sẽ tiến hành thay toàn bộ bảng hiệu của 200 đại lý hiện có theo hệ thống nhận diện thương hiệu mới.

Như vậy, trong thời điểm kinh tế suy giảm, người tiêu dùng sẽ tính toán chi tiêu hợp lý hơn, vì thế phân khúc thị trường hàng cao cấp nhập khẩu sẽ được thay thế bằng các nhãn hiệu thời trang cao cấp trong nước với giá cả hợp lý, chất lượng và mẫu mã đẹp. Đó là điều mà các nhà làm thời trang đang kỳ vọng.

Tái cấu trúc DN để phát triển

Song song với việc xây dựng hệ thống tiêu thụ, để đứng vững trên thị trường vào thời điểm này, yêu cầu phải cấu trúc lại DN là điều quan trọng để tồn tại và phát triển.

Ông Văn Thanh Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bia Sài Gòn-Bình Tây cho biết, trong khi tổ chức lại thị trường để cạnh tranh với hàng ngoại nhập thì yếu tố nền tảng thật sự tạo ra sức mạnh chính là phải làm mạnh chính mình. Làm mạnh doanh nghiệp nói thì đơn giản nhưng khi triển khai lại đụng chạm đến toàn bộ doanh nghiệp, từ người lao công đến các vị trí quản lý, bởi vì phải bố trí lại toàn bộ nhân sự để phát huy sức mạnh doanh nghiệp.

Đơn cử như công ty sau khi nhận một doanh nghiệp mới vào đã phải triển khai hàng loạt biện pháp: đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cắt giảm nhân sự những bộ phận không cần thiết lên đến hàng trăm người, tổ chức lại bộ máy sản xuất, bố trí lại cán bộ từ tổ trưởng sản xuất đến quản lý phân xưởng… Chỉ đến sau khi hoàn thiện việc bố trí lại toàn bộ lao động, xây dựng điều lệ doanh nghiệp thì nhà máy này mới “cắt” lỗ, bắt đầu hòa vốn và có lãi.

Còn ông Ngô Minh Lãng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, để tồn tại và phát triển, Xi măng Hà Tiên 1 đã khẩn trương tiến hành cải tổ công tác tiêu thụ, với yêu cầu chất lượng sản phẩm phải luôn luôn đi kèm các dịch vụ khách hàng, dịch vụ kỹ thuật chu đáo…

Song song đó là công tác cải tổ hệ thống quản trị DN, với việc thực hiện phân cấp quản lý cùng yêu cầu về trách nhiệm và chi tiêu ngân sách, ứng dụng hệ thống quản lý điện toán và tuân thủ các tiêu chuẩn ISO 9001:2000; tăng năng lực sản xuất và cải tổ công tác quản lý nhân lực… Nhờ vậy, năng lực sản xuất tăng lên nhưng công tác tiêu thụ vẫn đảm bảo, tránh tình trạng bị dồn ép sản lượng hàng tồn trong quá trình lưu chuyển hàng hóa.

Điều đáng nói, như ông Lãng khẳng định, công tác cải tổ doanh nghiệp phải gắn với cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp thì mới bảo đảm thành công. Đó là yêu cầu cấp thiết phải đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, đội ngũ bán hàng, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, xây dựng cơ chế trả lương theo công việc để khuyến khích động lực làm việc mang lại hiệu quả cao bằng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm ổn định.

Đây cũng chính là quá trình chuyên nghiệp hóa rất cần thiết đối với DN để linh hoạt và năng động thích ứng với điều kiện khắc nghiệt trong thời điểm hiện nay.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường