Đây là một trong nhiều chính sách cụ thể hóa gói giải pháp kích cầu của Chính phủ, đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Theo dự thảo chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị vật tư thiết bị sản xuất và tiêu dùng thì người nông dân sẽ được vay tiền với lãi suất 0% đối với các máy móc, thiết bị vật tư sản xuất nông nghiệp và được hỗ trợ 4% lãi suất đối với một số mặt hàng tiêu dùng. Thời gian cho vay tối đa dự kiến là 2 năm. Điểm đặc biệt của chính sách này là nông dân khi vay sẽ không phải thế chấp tài sản. Như vậy những hộ dân, đa số là hộ dân nghèo không có tài sản đảm bảo để vay thông thường như trước đây đều có thể vay vốn khi chính sách mới này ra đời, giúp cho ngay cả nông dân nghèo có cơ hội đầu tư sản xuất và vươn lên.
Việc ban hành chính sách này cùng nhiều giải pháp kích cầu nông thôn trước đó triển khai nhanh và kịp thời sẽ có hiệu ứng tích cực trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất: sẽ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp duy trì sản xuất và đảm bảo việc làm.
Thứ 2: hỗ trợ lãi suất giúp người nông dân có điều kiện thuận lợi hơn mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó kích thích sản xuất nông nghiệp phát triển. Theo Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, kích cầu vào khu vực nông nghiệp sẽ tạo ra tác động mạnh nhất đến tăng trưởng GDP cả nước tăng thêm 1,2%.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách sao cho hiệu quả, đúng và trúng mục tiêu như đề ra: Đó là khuyến khích người nông dân mua trang thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp trong nước; chất lượng, giá cả sản phẩm phù hợp, ngăn chặn hiện tượng lợi dụng chính sách này để đưa hàng chất lượng thấp và tăng giá bất hợp lý.
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Nói sản xuất trong nước nhưng hàng cũng fải đảm bảo chất lượng và giá bán phải nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước, tức là fải đăng ký giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp lệnh giá. Thứ nữa là giao trách nhiệm rất rõ và có sự phối hợp cao của các ngành. Ví dụ về danh mục hàng hóa cho nông dân cũng cần nghiên cứu kỹ và Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm soạn thảo. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm kiểm tra các doanh nghiệp.
Một vấn đề nữa đặt ra khi chính sách này đi vào cuộc sống là làm sao để hỗ trợ lãi suất mua những mặt hàng đúng nhu cầu của mỗi người dân. Bởi mỗi vùng miền, tỉnh khu vực, nhu cầu sử dụng trang thiết bị vật tư và tiêu dùng khác nhau. Nếu như không có phân tích, điều tra kỹ lưỡng nhu cầu của từng vùng, từng khu vực sẽ dễ dẫn tới chính sách đã có mà nông dân lại không mặn mà. Đây cũng là lưu ý đối với cơ quan chức năng và các địa phương để thực hiện hiểu quả chính sách.
Khi dự thảo chính sách này được thông qua và đi vào cuộc sống thì đây chính là một bước cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị về các giải pháp kích cầu, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có việc tăng cường hỗ trợ nông dân thông qua việc cấp các khoản tín dụng ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị cho sản xuất; đồng thời qua chính sách này sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển cơ khí trong nước để trang bị cho nông nghiệp.