Con đường gập ghềnh
Những ngày này, nông dân trồng vú sữa ở xã Vĩnh Kim rất phấn khởi bởi giá vú sữa đầu vụ cao ngất ngưởng: 250.000- 300.000 đồng/chục (12 trái). Không chỉ vậy, vú sữa cho năng suất cao, bình quân khoảng 15 tấn/ha nên thu nhập của nông dân tăng đáng kể. Trước đây, vú sữa Lò Rèn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, nhưng từ khi có được chứng nhận Global GAP, trái cây này đã được xuất khẩu sang thị trường châu âu, chính thức vào Metro, giá tăng gấp 5-7 lần so với trước đây. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Châu cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xây dựng kế hoạch nâng diện tích trồng vú sữa theo tiêu chuẩn Global GAP từ 7ha lên 40ha trong thời gian tới nhằm phục vụ xuất khẩu”.
Tại Tiền Giang, vú sữa được trồng tập trung ở Vĩnh Kim và các xã lân cận của huyện Châu Thành, trên tổng diện tích 2.000ha, tổng sản lượng đạt khoảng 20.000- 22.000 tấn/năm. Trước đây, do tập quán sản xuất phân tán, nhỏ lẻ nên loại trái cây này chưa phát huy được tiềm năng. Tháng 4/2007, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai chương trình: “Hỗ trợ phát triển toàn diện sản phẩm vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” với mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh cây vú sữa áp dụng tiêu chuẩn GAP, phục vụ xuất khẩu. Chương trình gồm 4 đề tài lớn, trong đó có đề tài “Nhân rộng và phát triển mô hình GAP của vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (KT và CNSH) tỉnh Tiền Giang thực hiện. Sau khi tham quan mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP trên thanh long của tỉnh Bình Thuận, Trung tâm KT và CNSH tỉnh phối hợp với Hội Làm vườn (HLV) huyện Châu Thành tiến hành tập huấn mô hình cho Ban quản trị - Ban chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và 33 xã viên tự nguyện tham gia dự án trên diện tích 12ha. Tháng 11/ 2007, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chính thức hợp đồng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP.
Để đạt được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cao cấp này, vú sữa Lò Rèn của HTX phải thỏa mãn 141 tiêu chí và hộ nông dân - xã viên trồng vú sữa phải thực hiện 236 yêu cầu khắt khe của Global GAP với quy trình chặt chẽ và nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Triển vọng mới
Việc vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim tiên phong trong sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP đã mở ra triển vọng tươi sáng cho mặt hàng trái cây nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung trên bước đường chinh phục thị trường thế giới. Đây là lần đầu tiên mô hình HTX với nhiều nông dân đã liên kết với nhau để thực hiện thành công tiêu chuẩn này. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh thực trạng sản xuất trái cây của nhà vườn ĐBSCL còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, cách biệt khá xa so với các tiêu chuẩn của thế giới.
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết: “Với diện tích sản xuất của nông hộ trong HTX nhỏ lẻ, phân tán, phổ biến 2 - 4 công (2.000 - 4.000m2); thói quen sản xuất cũ đã hình thành quá lâu, cho nên nhiều nhà vườn khó thay đổi ngay được. Mặt khác, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật của HTX lại chưa có kinh nghiệm, lĩnh vực áp dụng còn quá mới mẻ... nên nhiều lúc, chúng tôi định buông xuôi. Nhưng nhờ sự động viên, khuyến khích của các cơ quan chuyên môn, cuối cùng, 19 hộ nông dân - xã viên của HTX cũng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP” .
Nhiều nông dân tham gia dự án này cho biết, áp dụng quy trình sản xuất mới, chi phí giảm so với trước 30- 50%, số lượng trái đạt chất lượng tăng từ 30- 70%, lợi nhuận tăng thêm 40%.
Mới đây, HTX đã xuất khẩu được 50 tấn vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn Global GAP sang thị trường Nga và Đức với giá trên 30.000 đồng/trái, tăng gần 1,5 lần so với trước đây. HTX hiện có trên 40ha vú sữa được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, dự kiến sẽ thu hoạch thêm gần 50 tấn để cung ứng cho hệ thống Metro Cash & Carry. Phó chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim Lê Văn Sơn cho biết: “Từ đây, vú sữa Lò Rèn có thêm cơ hội để viễn du đến thị trường Hoa Kỳ”.
Được biết, tỉnh Tiền Giang đã lập dự án và xây dựng kế hoạch cụ thể để mở rộng và phát triển diện tích trồng vú sữa Lò Rèn của tỉnh đạt 5.000ha vào năm 2015.