Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp: trụ đỡ trong cơn suy thoái
27 | 04 | 2009
Lý thuyết và thực tiễn cho thấy công nghiệp hoá là con đường tất yếu để tăng thu nhập và hiện đại hoá quốc gia, và quan trọng nhất đó là chuyển đổi một xã hội từ nông nghiệp sang công nghiệp. Trong tiến trình này, mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp có tầm quan trọng chiến lược, quyết định tốc độ và quy mô của tiến trình công nghiệp hoá, và sự phát triển bền vững của quốc gia. Như vậy, vấn đề phát triển nông thôn sẽ trở thành khẩn cấp hơn bao giờ cho Việt Nam không phải chỉ vì vấn đề công bằng như vẫn thường được đặt ra. Đây còn là chiến lược phát triển thực tế nhất phù hợp với những đòi hỏi chính trị và xã hội của các nước chuyển đổi như Trung Quốc và Việt Nam.

Năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, nền kinh tế Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng, các ngành công nghiệp xuất khẩu giảm mạnh, duy nhất ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì được tăng trưởng, trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 tính theo giá so sánh năm 1994 ước đạt 490.181 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2007. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 85.564 tỷ đồng, tăng 3,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 204.940 tỷ đồng, tăng 6,33%; khu vực dịch vụ đạt 199.677 tỷ đồng, tăng 7,2%.

Trong 3 khu vực lớn của nền kinh tế, khu vực nông nghiệp tuy chiếm tỉ trọng nhỏ (năm 2007 là 20,3% và 2008 là 21,99%) và có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với 2 khu vực còn lại nhưng tăng trưởng lại ổn định hơn. Trong khi khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng năm 2008 thấp hơn so với năm 2006 và 2007 nhưng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn có tốc độ tăng trưởng cao hơn (3,79% của năm 2008 so với 3,4% của năm 2007 và 3,69% của năm 2006).

Trong tình trạng xuất khẩu tụt giảm, chính sách kích cầu thông dụng bơm tiền vào đầu tư công qua các tổng công ty nhà nước sẽ đem lại hiệu quả kém do hệ số ICOR của nền kinh tế đã quá lớn và mỗi đồng chi tiêu sẽ chỉ có tác động lan tỏa (multiplier effect) yếu do thất thoát đáng kể vào dòng nhập khẩu, vốn là đặc điểm của cấu trúc hiện có của kinh tế Việt Nam. Ngươc lại, mỗi đồng chi tiêu vào khu vực nông nghiệp hay giới công nhân có thu nhập thấp sẽ có tác động lan tỏa cao qua tác động kích cầu lớn hơn với các hàng sản xuất nội địa.

Nhìn lại “Đổi Mới” trong 20 năm vừa qua, có thể thấy rằng nông nghiệp chính là nền tảng chống chịu rủi ro cho tăng trưởng qua hai thời điểm khủng hoảng do mất thị trường Đông Âu năm 1991 và khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á năm 1997. Ở hai thời điểm này, tăng trưởng nông nghiệp được giữ vững đã là trụ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp đang phái đối diện với những thử thách gay gắt trước mắt.

Nông nghiệp trong hội nhập - những thách thức mới

Sau 20 năm đổi mới và mở cửa vừa qua, khu vực nông nghiệp và nông thôn không còn đứng biệt lập, mà hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế nội địa cũng như nền kinh tế thế giới. Trong một tiến trình hội nhập, sự phát triển có tính hai mặt. Thứ nhất, khu vực nông nghiệp nông thôn liên hệ, kết nối ngày càng chặt hơn vào thị trường nội địa và quốc tế và do vậy những biến động của thị trường sẽ lan truyền trực tiếp và mạnh hơn, dễ dẫn đến những tổn thương và rủi ro lớn hơn. Thứ hai, quá trình hội nhập mở ra những cơ hội phát triển mới đối với nông nghiệp nông thôn. Sự tiếp cận với thị trường, các công cụ thông tin liên lạc hay khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông thôn trở nên hiệu quả hơn.

Xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp giai đoạn 2001-2008 (triệu USD)



Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Năm 2008, thương mại nông sản của Việt Nam tăng mạnh so với các giai đoạn trước đó. Mức tăng trưởng kim ngạch chủ yếu do đóng góp của yếu tố tăng giá nông sản trên thị trường quốc tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2008 ước đạt 16.012 triệu USD, tăng 28,4% so với năm 2007 (đạt 12.469 triệu USD). Trong đó, nông sản đạt 8.572 triệu USD, tăng 39,3%; thủy sản đạt 4.436 triệu USD, tăng 18,2%; lâm sản đạt 3.004 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2007.

Cạnh tranh chiếm thị trường trong và ngoài nước sẽ diễn ra quyết liệt từ lĩnh vực hàng hoá sang dịch vụ và đầu tư. Thời kỳ đầu cải cách và mở cửa đã làm cho một bộ phận lớn dân chúng thoát khỏi nghèo đói và trở nên khá giả. Tuy nhiên, càng về sau nhiều minh chứng cho thấy có một số xu hướng đáng lo ngại. Thứ nhất, quá trình giảm nghèo đói không còn dễ dàng như trước đây. Thứ hai, hiện tượng rủi ro của quá trình mở cửa và phát triển kinh tế thị trường như biến động về cầu, sản xuất dư thừa, giá giảm, đô thị hoá. Qúa trình mở cửa và hội nhập tạo ra những cơ hội mới, tuy nhiên không phải ai cũng có thể biến cơ hội thành hiện thực. Có thể thấy rằng một số nơi đã xuất hiện hiện tượng tái nghèo đói do giá cả lên cao trong mấy năm vừa đây, hoặc hiện tượng nghèo đói mới phát sinh từ chuyện nông dân mất đất do đô thị hoá như ở một số khu vực ven đô Sài gòn hay Hà Nội. Nếu sản xuất nông nghiệp Việt Nam không thoát ra khỏi xiềng tiểu nông, kinh doanh không vượt khỏi yếu kém doanh nghiệp nhà nước thì không thể có thế và lực để đàm phán và cạnh tranh nổi với các nền nông nghiệp ở các nước phát triển có công nghệ cao, quy mô nông trại lớn và các công ty xuyên quốc gia giỏi kinh doanh.

Khủng hoảng tài chính và xuất khẩu nông sản

Khủng hoảng tài chính bắt đầu từ suy thoái ngành bất động sản, sau đó lan sang các lĩnh vực tài chính và ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành sản xuất trong đó có lĩnh vực nông sản. Bắt đầu từ tháng 6 năm 2008 đồng USD đã tăng giá mạnh so với đồng Euro, dẫn đến một số tác động làm giảm giá hàng nông sản như sau:

• Giá hàng nông sản xuất khẩu tính theo USD trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực giảm giá xuất khẩu, đặc biệt với các mặt hàng chủ lực của Hoa Kỳ như thịt, lúa mì, dầu ăn, lúa gạo, bông…..
• Đồng USD tăng giá mạnh so với đồng Euro làm cho nhu cầu tiêu thụ các nước châu Âu giảm, gây áp lực giảm giá hàng nhập khẩu vào thị trường châu Âu trong đó có nông sản.
• Các quỹ đầu tư chuyển sang nắm giữ đô la thay vì đầu tư vào hàng hóa trong đó có nông sản cũng gây áp lực giảm giá.

Số liệu thống kê thương mại cho thấy kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam càng về những tháng cuối năm 2008 càng giảm mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu là nguyên nhân căn bản dẫn đến suy giảm xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu so sánh số liệu xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu của thế giới lại không phản ánh nhận định này. Ví dụ đối với thị trường Hoa Kỳ, giai đoạn 2004-2007 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm của 49 mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt mức 34%/năm, trong khi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này đạt 14%/năm. Trong khi 9 tháng 2008 so với cùng kỳ 2007, con số tương ứng là 21% và 13%. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm mặc dù tăng trưởng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ không giảm. Có nhiều khả năng, một số ngành hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã tăng trưởng đến giới hạn ngưỡng, việc tăng kim ngạch trở nên khó khăn hơn, trong khi đó số liệu thống kế cũng cho thấy một số ngành hàng nhỏ nhưng có tiềm năng đang bắt đầu có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn.

Như vậy, ý kiến cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam suy giảm do cung lớn hơn cầu có thể hợp lý, nhưng chưa đủ. Bên cạnh là những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong năm 2008 như lãi suất tăng đột biến hay khan hiếm tín dụng, và một trong những yếu tố quan trọng khác là yếu tố tỷ giá hối đoái.

Do đa số các nước xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam đều thu về bằng ngoại tệ USD nên giảm giá nông sản tính theo USD đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập xuất khẩu. Tuy nhiên có một khía cạnh khác của vấn đề tỷ giá ít được nhắc tới đó là tỷ giá của đồng tiền các nước này so với USD. Nếu đồng nội tệ mà giảm so với đồng USD sẽ thúc đẩy xuất khẩu và ngược lại, và tính trên bình diện chung, nước nào giảm càng nhiều thì càng có ưu thế hơn trong thúc đẩy xuất khẩu. Tất nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá còn phụ thuộc vào các cán cân vĩ mô khác chứ không thể phá giá tùy ý để thúc đẩy xuất khẩu được.

Số liệu cho thấy các nước xuất khẩu nông sản lớn trên thị trường thế giới cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở các mặt hàng nông sản mũi nhọn như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Braxin, Colombia…đều đã giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD từ mức 13% đến 33%, trong khi đó con số này với Việt Nam chỉ ở mức 5%. Như vậy, sự giảm giá đồng tiền đã vô hình chung làm cho các nước này hạn chế thiệt hại gây ra bởi suy giảm giá của thị truờng thế giới. Ví dụ, đối với Thái Lan hàng nông sản xuất khẩu có giảm giá đến 17% thì khi quy đổi ra đồng Baht thì vẫn tương như mức trước đây. Như vậy hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam ở vào thế khó cạnh tranh hơn.

Thay đổi tỷ giá của một số đồng tiền so với đồng USD năm 2008


Nguồn: www.yahoo.com
Ghi chú: Thời điểm thay đổi so giữa tháng 10/2008 với tháng 1/2008.

Tương quan cánh kéo giá
Sản xuất và thương mại nông sản năm 2008 được hưởng lợi từ tăng mạnh của giá cả. Tuy nhiên, xu hướng này không đảm bảo lợi nhuận của người nông dân cũng tăng tương ứng. Đối với người dân trồng lúa, tốc độ tăng giá vật tư đầu vào “phi mã” trong suốt vụ hè thu đã khiến cho giá lúa dù tăng, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng giá vật tư đầu vào. Ngay cả tại thời điểm tháng 5/2008, thời điểm giá lúa đạt tốc độ tăng cao nhất trong cả năm 2008, giá lúa tăng 100% so với đầu năm, thì khi tốc độ tăng giá phân DAP là 300%, gấp 3 lần.

Đối với người chăn nuôi, việc giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao trong năm 2008 cũng đã kéo giá thành trong nước tăng theo. Xu hướng giá trong nước và quốc tế còn cho thấy có độ trễ giữa biến động giá trong nước và quốc tế. Khi giá quốc tế đã giảm và giá trong nước không giảm với cùng nhịp tương ứng, đã ảnh hưởng bất lợi đến người sản xuất.

Xuất khẩu trong bối cảnh biến động thị trường – trường hợp ngành lúa gạo

Trong 3 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh và lượng và kim ngạch do liên tục ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Tuy nhiên, đến ngày 25/3/2008 do chỉ đạo tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới cho đến tháng 6/2008 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, số lượng xuất khẩu gạo giảm mạnh so với quý I/2008. Từ tháng 4-tháng 6/2008, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,487 triệu tấn gạo, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2008 lên 2,506 triệu tấn, đạt mức xấp xỉ so với lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2007. Số liệu so sánh với Thái Lan cho thấy trong giai đoạn này Thái Lan đã tăng cường xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và thu được lợi nhuận lớn.

Chính phủ đã chính thức cho phép doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu gạo trở lại từ 1/7/2008, sau khi thu hoạch lúa đông xuân được mùa ở miền Bắc và miền Nam, với sản lượng đạt cao. Ngay trong tháng 7/2008, Việt Nam đã xuất khẩu 496,6 nghìn tấn gạo, với trị giá đạt 430,9 triệu USD, do giá gạo xuất khẩu bình quân tại thời điểm này vẫn đạt mức cao 971 USD/tấn. Hết tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 3 triệu tấn gạo, trị giá đạt 1,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ tháng 8 đến tháng 11/2008, lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong xu hướng giảm do nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới và giá gạo thế giới đang trong xu hướng giảm mạnh. Cộng thêm với việc tác động của chính sách áp dụng mức thuế tuyệt đối xuất khẩu đối với mặt hàng gạo được bắt đầu thực hiện từ ngày 21/7/2008 đã phần nào tác động đến khả năng cạnh tranh về giá trong hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong 4 tháng (từ tháng 8-đến tháng 11/2008), xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ đạt 1,4 triệu tấn, trị giá đạt 826,3 triệu USD.

Trước tình hình đó, ngày 15/8/2008, Bộ Tài Chính đã điều chỉnh mức giá gạo chịu thuế khởi điểm lên 800.000 VND/tấn gạo xuất khẩu, với giá 800 USD/tấn, đồng thời mở rộng tín dụng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp thu mua gạo xuất khẩu. Và đến ngày 19/12/08, Bộ Tài Chính đã chính thức ngưng đánh thuế tuyệt đối xuất khẩu đối với mặt hàng gạo để khuyến khích xuất khẩu gạo, thúc đẩy lưu thông lượng lúa hàng hoá tồn đọng trong nước.

Động thái tốt từ chính sách, cộng thêm với nhu cầu khách hàng tăng trở lại đã làm tăng mạnh kim ngạch và số lượng gạo Việt Nam xuất khẩu trong tháng 12/2008. Tại thời điểm này, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 100 nghìn tấn gạo 5% tấm cho Malaysia; 60 nghìn tấn gạo 5% tấm sang Irắc và nhu cầu nhập khẩu gạo tăng từ Châu Phi đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tháng 12/08, Việt Nam xuất khẩu được 436,5 nghìn tấn gạo, trị giá đạt 180 triệu USD, tăng 51,8% về lượng và gần 34% về giá trị so với tháng 11/2008.

Khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan năm 2008 (1000 tấn)



Nguồn: AGROINFO – www.agro.gov.vn

Khi nhìn lại hoạt động xuất khẩu gạo năm 2008, thực tế cho thấy, người nông dân trồng lúa đã khó tiêu thụ được lúa/gạo tại thời điểm giá xuất khẩu lên cao. Chính động thái đó đã dẫn đến tồn đọng lúa hàng hoá do người nông dân không bán được, cộng với sản lượng thu hoạch lúa đạt cao đã làm giá lúa xuống thấp. Tình hình chỉ được cải thiện khi xuất khẩu gạo được cho phép trở lại, kết hợp với các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua lúa hàng hoá cho nông dân. Tuy nhiên, cơ hội từ việc xuất khẩu khi giá gạo lên cao cho người nông dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đã trôi qua và chính phủ phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ cho việc hỗ trợ thu mua lúa hàng hoá trong dân, chủ yếu thông qua các công ty lương thực quốc doanh.



Thạc sĩ - TS. Phạm Đỗ Chí
Báo cáo phân tích thị trường