Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dịch cúm A/H1N1 đã ở mức cao nhất
05 | 05 | 2009
Sáng 4.5, 63 tỉnh, TP chia làm 9 điểm cầu đã giao ban trực tuyến với Bộ Y tế về công tác chống dịch cúm A/H1N1 trên toàn quốc.

Ý thức được tầm quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng chống dịch, nhưng các địa phương hiện đang còn rất thiếu cơ sở vật chất, thuốc men. Hơn nữa, giám sát dịch ở địa phương chưa được chú trọng, rất dễ bỏ sót ca bệnh nếu dịch xảy ra.

Nguy cơ bỏ sót ca bệnh

Đến ngày 4.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, đã có 20 nước và vùng lãnh thổ chính thức thông báo ghi nhận 985 trường hợp mắc cúm A/H1N1. Trong đó, Mexico 590 trường hợp mắc, 25 trường hợp tử vong; tại Mỹ 226 trường hợp mắc, 1 tử vong. Như vậy, sau 10 ngày phát hiện dịch, không chỉ số bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, mà cả số quốc gia chính thức xác nhận có dịch cũng tăng lên hằng ngày.

PGS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cho biết: WHO đang cân nhắc nâng mức độ cảnh báo dịch cấp độ 5 lên 6, tức là báo động cao nhất, đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, thực ra dịch đã ở mức độ 6 khi mà chỉ sau 10 ngày cảnh báo, dịch đã lan ra 3 châu lục.

Không ai có miễn dịch với cúm A/H1N1, bức tranh dịch rất phức tạp, bệnh nhân có thể là thanh niên, người già, thậm chí cả trẻ nhỏ 23 tháng tuổi; nam và nữ đều có thể mắc. Những bệnh nhân tử vong hầu hết đều đến viện muộn, do đó mức độ điều trị thành công phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán và điều trị sớm.

Tuy nhiên, trái ngược với việc thu dung và xét nghiệm khi bệnh nhân đến viện đã được làm tốt, công tác phòng, chống dịch ở cộng đồng còn kém vì nhiều người dân - thậm chí cả cán bộ y tế - đều cho rằng, cúm là bệnh đơn giản, không có gì đáng ngại nên không báo cáo.

Nhiều ca cúm tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp nhưng không được thông báo. Trong khi đó, ít nhất 70 – 80 ca cúm A/H1N1 ở Mỹ và Mexico được phát hiện qua giám sát tại cộng đồng. Do đó, nếu dịch xảy ra ở nước ta thì có thể sẽ có những ca bệnh bị bỏ sót.

BS Nguyễn Văn Châu - GĐ Sở Y tế TPHCM - đề nghị nên xây dựng cơ chế trao đổi thông tin dịch ở 2 cấp: Liên vùng và và cấp liên sở ngành, trong đó UBND và Sở Y tế TPHCM làm đầu mối. Điều này sẽ tạo điều kiện cho thông tin được đi nhanh. Theo BS Châu, công tác giám sát dịch tại cộng đồng cực kỳ khó khăn. TP đang xây dựng phương án giám sát tại các trường học.

Tuần này, Sở Y tế TPHCM sẽ tổ chức triển khai tập huấn cho toàn bộ khối dự phòng về tổ chức cách ly kiểm dịch, quy trình kiểm dịch và thành lập những đội cơ động phòng dịch.

Thiếu thuốc, trang thiết bị

Tối 3.5, một khách du lịch nữ Hàn Quốc đi Campuchia, quá cảnh ở sân bay Nội Bài đã có biểu hiện ho, sốt nên đã được đưa về Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cách ly, theo dõi, đến sáng 4.5 đã có kết quả xét nghiệm nhiễm cúm H3N2. Bệnh nhân đã tỉnh táo, nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi.

Còn tại TPHCM, trong 24h ngày 3.5, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp nhận 9 hành khách có thân nhiệt cao, đã đưa vào khu cách ly, khẩn trương tiến hành các xét nghiệm. Đến sáng 4.5, kết quả khẳng định tất cả đều âm tính với virus H1N1.

Như vậy, tại các cửa khẩu luôn có những trường hợp có biểu hiện cúm, nghi ngờ nên công tác kiểm dịch biên giới phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện tại, máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu sẽ dễ dàng bỏ qua những trường hợp không có biểu hiện sốt hoặc sốt nhẹ; trong khi những người này vẫn có thể lây bệnh cho những người đã tiếp xúc với người đi về từ các vùng dịch.

Thiếu máy đo thân nhiệt là kiến nghị của không chỉ cụm các tỉnh xung quanh TPHCM mà còn của cụm Đà Nẵng, Tây Nguyên Cần Thơ, Phú Thọ... Khu vực miền Trung có sân bay Huế, cửa khẩu Lao Bảo, Dung Quất..., nhưng chỉ có 1 máy đo thân nhiệt ở Đà Nẵng.

100% thuốc Tamiflu cấp cho các địa phương cho mục đích chống cúm H5N1, đến thời điểm này cũng đã hết hạn sử dụng. Đây cũng là thuốc kháng virus được chỉ định cho cúm A/H1N1. Tình trạng bác sĩ, cán bộ kiểm dịch chưa được trang bị kiến thức về phòng, chống loại cúm mới xuất hiện cũng rất phổ biến.

TS Lý Ngọc Kính - Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị, trước mắt cấp mỗi tỉnh 5.000 viên Tamiflu và một số dịch truyền, hỗ trợ cho tuyến dưới, thành lập các đội cấp cứu cơ động. Tuần này và tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn phác đồ phòng, chống cúm A/H1N1 cho cán bộ y tế ở cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.

Mỹ hỗ trợ VN bộ kit chẩn đoán cúm A/H1N1

Cục Thú y (Bộ NNPTNT) ngày 4.5 cho biết, TT Khống chế dịch bệnh Hoa Kỳ thông báo sẽ gửi các bộ kit để chẩn đoán chủng cúm A/H1N1 về VN. Dự kiến trong 2-3 ngày tới, các bộ kit này sẽ về tới VN. Những đơn vị được trang bị bộ kit đầu tiên này là hai phòng thí nghiệm của Cục Thú y tại Hà Nội và TPHCM. Cục cũng tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ lợn sống và sản phẩm từ lợn nhập khẩu, đồng thời tăng cường giám sát ở đàn lợn trong nước, cá thể lợn nào có triệu chứng nghi ngờ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ngay. Cơ quan này khuyến cáo, người tiêu dùng trong nước không ăn thịt lợn bệnh chết, không ăn tiết canh lợn, sử dụng các sản phẩm từ lợn đã nấu chín...

Khi có sốt cần theo dõi cẩn thận

Theo Bộ Y tế, bệnh cúm A/H1N1 thường diễn biến cấp tính và có một số biểu hiện sau: Sốt trên 38 độ C, viêm long đường hô hấp, đau họng, ho khan hoặc có đờm, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy... Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp và suy đa tạng. Nếu bệnh nhân có các yếu tố dịch tễ như sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm A/HIN1, tiếp xúc với người bệnh, nguồn bệnh... mà có các triệu chứng lâm sàng như sốt cần phải được theo dõi đặc biệt tại các cơ sở y tế. Trên thực tế, đã có người lành mang virus, tức là không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm lại có virus cúm A/H1N1, những trường hợp này vẫn cần phải được theo dõi.



Nguồn: Báo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường