Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bắc Giang: Phát triển vùng cây ăn quả tập trung còn nhiều thách thức
29 | 09 | 2007
Tỉnh Bắc Giang có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, như vậy đã đem lại nguồn thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng và có nhiều hộ nông dân đã đổi đời từ trồng vườn cây ăn quả. Tuy nhiên, làm cách nào để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của vườn cây ăn quả, nhất là về lâu dài, đó là vấn đề đang nan giải ở địa phương.

Vùng cây ăn quả tăng trưởng

Từ nhiều năm nay, phát triển cây ăn quả là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên diện tích đất sản xuất nông- lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang và có những kết quả rõ rệt. Theo đó, diện tích cây ăn quả đã tăng nhanh qua các năm và đến năm 2002, toàn tỉnh đã có 43.369 ha, năm 2004: 44.TTXVNTTXVN856 ha và năm 2006: 52.053 ha, tăng 200 ha so với năm 2005.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, trong số trên 52.000 ha cây ăn quả hiện nay thì cây vải thiều có 40.629 ha, chiếm trên 80% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh, ngoài ra, có 2541 ha cây na, 1588 ha nhãn, 1562 ha hồng, 1000 ha chuối, 417 ha xoài, 1246 ha dứa... Cây ăn quả được phát triển ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Lục Ngạn 21.980 ha, Lục Nam 9330 ha, Yên Thế 7209 ha, Tân Yên 3142 ha... Do bà con các huyện đã có kinh nghiệm trồng cây ăn quả qua nhiều năm và nhiều hộ thực sự đã quan tâm đầu tư phát triển cây ăn quả, nên sản lượng, giá trị thu nhập từ cây ăn quả của tỉnh ngày càng tăng, bình quân chiếm khoảng 13,5% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp và khoảng 17% tổng giá trị riêng ngành trồng trọt của tỉnh hàng năm: năm 2002 toàn tỉnh đạt gần 269 tỷ đồng và năm nay ước đạt trên 415 tỷ đồng, do nguồn lợi của các vườn cây ăn quả đem lại.

Cây ăn quả chủ lực ở Bắc Giang vẫn là cây vải thiều và tuy mấy năm gần đây do giá cả thất thường, việc tiêu thụ quả vải thiều không ổn định, do đó nhiều hộ đã chuyển sang trồng các giống cây ăn quả khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng cây vải thiều vẫn đem lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Để giúp các hộ nông dân nâng cao hiệu quả trồng cây ăn quả, tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan hỗ trợ về giống mới, kỹ thuật trồng và chăm bón, bảo quản và chế biến quả, xây dựng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Hàng năm, tỉnh tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều, tạo thuận lợi cho các doanh nhân đến tỉnh thu mua, chế biến cây ăn quả nói chung, vải thiều nói riêng và liên hệ với các địa phương khác để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh.

* Khó khăn, thách thức không nhỏ

Có thể nói khó khăn, thách thức rõ nhất hiện nay đối với việc phát triển vùng cây ăn quả ở Bắc Giang vẫn là vấn đề chất lượng và việc chế biến để nâng cao giá trị và thị trường tiêu thụ của cây ăn quả. Vải thiều là cây ăn quả minh chứng rõ nhất cho tình trạng trong một thời gian dài, nông dân các địa phương chỉ độc canh cây ăn quả này, chưa chủ động được đầu ra cho nông sản và việc chế biến quả vải thiều cũng còn nhiều hạn chế.

Mặc dù sản lượng vải thiều của tỉnh mỗi năm đạt hàng trăm tấn và trong số 70% sản lượng được xuất khẩu, nhưng có tới 50% số sản lượng quả vải thiều được sấy khô, còn lại 20% là vải tươi và cũng chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nên giá trị và hiệu quả kinh tế bị hạn chế. Việc chế biến vải thiều thành sản phẩm cao cấp hơn, hiện vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chú ý, do thời gian thu hoạch ngắn và đặc thù của quả vải thiều. Nếu quả vải thiều được chế biến thành nước uống đóng hộp thì sẽ không còn giữ được nguyên hương vị của quả vải; còn chế biến cùi vải đông lạnh để xuất khẩu, tuy có triển vọng hơn, nhưng trong tỉnh hiện mới đạt sản lượng quả vải còn thấp( khoảng 3000 tấn vải tươi/năm) và cũng chỉ làm được trong vụ thu hoạch vải.

Mấy năm gần đây, do giá vải xuống thấp, việc tiêu thụ khó khăn và nhiều hộ nông dân không quan tâm đầu tư chăm sóc, cứ để cây phát triển tự nhiên nên năng suất, chất lượng vải thiều giảm mạnh, thậm chí còn bị mất mùa. Nhiều hộ đã ứng dụng kỹ thuật hãm vải chín để kéo dài thời gian giữ vải trên cây, chờ được giá để bán, nhưng ảnh hưởng chất lượng quả vải, nên tính chung cũng không đem lại hiệu quả kinh tế cao cho họ.

Nông dân ở một số địa phương đã đưa vào trồng giống vải thiều sớm ( thu hoạch vào khoảng đầu tháng 5 dương lịch) bán được giá hơn so với chính vụ, nhưng cũng khó mở rộng diện tích, vì cần phải có thời gian. Việc chế biến các loại cây ăn quả khác cũng còn hạn chế so với sản lượng quả thu hoạch hàng năm của tỉnh, do chưa có sự liên kết thực sự chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân.

* Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng cây ăn quả

Trong những năm tới, tỉnh Bắc Giang vẫn coi trọng việc phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, coi trọng khâu chế biến nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế, chủ động thị trường tiêu thụ cho cây ăn quả. Ngoài cây vải thiều vẫn là cây ăn quả chủ lực, Bắc Giang thực hiện đa dạng hoá các loại cây ăn quả, trồng những cây cho giá trị kinh tế cao như: nhãn, na, bưởi Diễn, táo Đài Loan, lạc tiên...và tránh độc canh dễ bị rủi ro cao.

Riêng đối với cây vải thiều, tỉnh chủ trương giảm diện tích xuống còn khoảng 35.000 ha (vào năm 2010) và tập trung thâm canh nâng cao chất lượng quả vải theo 2 hướng: thay một phần diện tích vải chính vụ bằng vải chín sớm ( hiện đang trồng giống vải Bình Khê- Quảng Ninh) sẽ được giá hơn và tập trung nâng cao chất lượng quả vải. Những trang trại ở vùng xa, hay vùng đất đồi xấu thì tỉnh khuyến khích nông dân thay thế cây vải bằng các giống cây lâm nghiệp trồng theo kỹ thuật mới (giâm hom) cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Khi nước ta đã gia nhập WTO thì vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông phẩm chế biến càng được tỉnh quan tâm hơn. Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã được giao cho xây dựng dự án mô hình sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn GAP, trước mắt là tiêu chuẩn ASEAN GAP. Dự kiến từ năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn (hiện đã có thương hiệu). Bên cạnh việc giúp đỡ nông dân thâm canh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả, Bắc Giang tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và tìm đầu ra thuận lợi hơn cho vải thiều và các cây ăn quả khác trên địa bàn../.

 



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường