Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thâm nhập thị trường hải sản Ai Cập- 5 giải pháp phát triển bền vững
18 | 05 | 2009
Năm 2008, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tham dự 2 hội thảo, 1 hội chợ. Ai Cập đã vượt qua UAE trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản VN tại các nước Ảrập với kim ngạch năm 2008 là 63 triệu USD, riêng cá basa là 55 triệu USD.

Từ xa lạ đến đầu bảng

Trước năm 2005, cá basa Việt Nam, mặc dù phổ biến trên thế giới, nhưng hầu như chưa vào được thị trường Ai Cập, cũng như khối 22 nước Ảrập ở Trung Đông và Bắc Phi. Đầu những năm 2000, mới có tôm đông lạnh của Việt Nam với khối lượng nhỏ được xuất sang Iraq và UAE do người Ảrập khó quen với những sản phẩm còn thấy xa lạ.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau hội thảo quy mô về thủy sản Việt Nam được tổ chức tháng 8/2005 tại Dubai. Đặc biệt là thông qua showfood (giới thiệu bằng nấu ăn tại chỗ) đã tạo ấn tượng tốt và góp phần đưa thủy sản và nhất là cá basa Việt Nam vào thị trường Ảrập. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có nhiều chương trình xúc tiến thương mại (XTTM), ví dụ như đưa việc tham gia Hội chợ Gulfood (Dubai) vào chương trình XTTM quốc gia.

Kể từ năm 2006, cá basa và thủy sản Việt Nam thâm nhập thị trường Ảrập rất nhanh. Riêng với Ai Cập, các DN thủy sản Việt Nam cũng chủ động tiếp thị. Năm 2008, các DN thủy sản Việt Nam tham dự 2 hội thảo, 1 hội chợ. Ai Cập đã vượt qua UAE trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản VN tại các nước Ảrập với kim ngạch năm 2008 là 63 triệu USD, riêng cá basa là 55 triệu USD.

Vào cuối tháng 3/2009, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Ai Cập đã bị ngưng trệ sau khi báo chí Ai Cập đưa tin thiếu căn cứ rằng cá basa Việt Nam độc hại do nuôi trong môi trường ô nhiễm. Đỉnh điểm là việc Đại sứ quán Ai Cập tại Hà Nội đã đình chỉ xác nhận pháp lý cho thủy sản Việt Nam. Nhưng nhờ các cơ quan chức năng Việt Nam phản ứng kịp thời nên xuất khẩu thủy sản vào Ai Cập chỉ bị gián đoạn 5 ngày.

Tuy nhiên, một nguy cơ lớn làm tổn hại đến xuất khẩu cá basa vào Ai Cập là hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam tranh bán, hạ giá bừa bãi cùng với giảm chất lượng. Ông Đặng Ngọc Quang- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập cho biết, trong nửa cuối năm 2008, cá basa Việt Nam đã giảm từ 2.500 USD/tấn xuống còn 1500 USD/tấn, thấp hơn cá nuôi tại Ai Cập.

Trong bối cảnh khủng hoảng, Chính phủ Ai Cập đưa ra gói kích thích trị giá 2,7 tỷ USD, đang có tác dụng tốt, mặc dù vậy nếu kinh tế thế giới không sớm hồi phục, kinh tế Ai Cập chỉ có thể khởi sắc mang tính cục bộ và không bền vững. Nhưng dù tình hình thế nào Chính phủ Ai Cập vẫn đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho 82 triệu người dân nhằm ổn định xã hội. Trong khi đó, nguồn cung trong nước của Ai Cập không đáp ứng được nhu cầu, do vậy Ai Cập phải phụ thuộc vào bên ngoài và hiện tại Ai Cập nằm trong 10 nước nhập khẩu thực phẩm nhiều nhất.

Mục tiêu 300 triệu USD

Đây là cơ hội để Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Ai Cập. Hiện tại, nông sản thực phẩm nhập khẩu vào Ai Cập chịu thuế suất rất thấp, thậm chí 0% như cá basa. Năm 2009, do sự cố về cá basa, kim ngạch thủy sản của Việt Nam vào Ai Cập khó cao hơn năm 2008. Để chiếm lĩnh thị trường thủy sản Ai Cập, thủy sản Việt Nam cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn. Mới đây, Thương Vụ Việt Nam tại Ai Cập đã đề xuất một số biện pháp.

Đầu tiên là tiếp tục xử lý hậu quả của thông tin thất thiệt trên báo chí Ai Cập về cá basa Việt Nam. Hiện vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng Ai Cập e ngại về chất lượng cá basa Việt Nam làm giảm sút sức mua. Theo ông Đặng Ngọc Quang cần có chương trình quảng bá cho cá basa Việt Nam trên các phương triện truyền thông Ai Cập.

Tiếp đó, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ai Cập trong hợp tác nuôi trồng thủy sản và mời sang Việt Nam các cơ sở nuôi trồng và chế biến cá basa. Ai Cập nhiều lần đề nghị Việt Nam cử chuyên gia sang giúp nuôi trồng thủy sản. Năm ngoái, Việt Nam đã cử một chuyên gia sang Ai Cập nhưng chưa có kết quả cụ thể.

Thời hạn bán hàng cũng là một trở lại đối với thủy sản Việt Nam ở thị trường Ai Cập. Với thời hạn 6 tháng như hiện nay, thủy sản Việt Nam rất dễ buộc phải bán đại hạ giá khi thời hạn sắp hết. Tuy vậy, trở ngại này khó sớm được giải quyết do hệ thống bảo quản của Ai Cập rất kém. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu hình thức hợp tác để nâng năng lực bảo quản của Ai Cập.

Đối với sản phẩm, Việt Nam cũng cần chuyển đổi theo hướng giảm tỉ lệ cá đỏ tăng tỉ lệ trắng. Hiện nay, cá basa vào Ai Cập chủ yếu là loại cá đỏ chưa tinh lọc phần mỡ bụng nên có giá thấp. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng này vừa gia tăng giá trị vừa tạo thêm việc làm cho các nhà máy chế biến ở Việt Nam.

Về XTTM, doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng tham gia hội chợ, hội thảo tại Ai Cập nhưng đòi hỏi sự kiên trì nghiên cứu và tìm hiểu. Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam Ai cập đã tổ chức nhiều hội thảo cho DN hai nước gặp gỡ. Ông Đặng Ngọc Quang còn nhấn mạnh việc mời DN Ai Cập vào Việt Nam mua hàng, tuy nhiên, khác với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Ai Cập thích đi riêng lẻ.

Không chỉ mặt hàng thủy sản, Ai Cập còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất châu Phi của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt 167,9 triệu USD và các mặt hàng chủ yếu gồm nông sản, thủy sản, vải, may mặc, giày dép, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… Theo Tham tán Thương mại Ai Cập Đặng Ngọc Quang, nếu thực hiện được đồng bộ các biện pháp, thủy sản Việt Nam sẽ có vị trí vững chắc trên thị trường Ai Cập với kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD/năm trong thời gian tới.



Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường