Phần lớn diện tích chuyển sang mục đích phi nông nghiệp là đất tốt, cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho thâm canh. Bộ NN&PTNT nhận định, trong những năm tới, diện tích đất lúa bị chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ rất lớn. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải kiểm soát chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa để vừa giữ vững an ninh lương thực quốc gia về lâu dài, vừa đảm bảo mục tiêu CNH, HĐH đất nước.
Nơi vựa lúa, đất trồng lúa giảm mạnh
Thu hồi đất để phục vụ các mục tiêu phi nông nghiệp đã tác động tới đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương, thể hiện ở các mặt: việc làm, thu nhập, thời gian thiếu việc làm… và ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Việc lập quy hoạch các khu công nghiệp - chế xuất, khu đô thị trên đất nông nghiệp nói chung và đất lúa nói riêng chưa hợp lý, chưa sát thực tế. Khu công nghiệp được xây nhưng khả năng thu hút đầu tư chậm. Phát triển khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí, sân golf… rất gần nhau, lại trên các vùng đất chuyên trồng lúa, đã có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, thuận tiện giao thông gây tổn thất về kinh tế. Nhiều diện tích đất lúa gần các khu công nghiệp - chế xuất bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước thải, khói bụi, ánh sáng, làm cho sâu bệnh gia tăng, năng suất lúa giảm từ 15 - 30%.
Theo điều tra của Bộ NN&PTNT, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi ảnh hưởng đến việc làm của 10 lao động. Giai đoạn 2001 - 2005, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các mục tiêu phi nông nghiệp đã ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của 627 ngàn hộ dân, khoảng 950 ngàn lao động và 2,5 triệu nhân khẩu. Các vùng có diện tích đất lúa giảm nhiều lại nằm ở hai vựa lúa lớn nhất cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 57% tổng diện đất lúa giảm, với 205,4 ha; đồng bằng sông Hồng chiếm 14,4%với 52 ngàn ha; Đông Nam Bộ giảm 65,7 ngàn ha, chiếm 18,1%. Đáng chú ý, khu vực Tây Nguyên diện tích đất lúa hạn chế nhưng giai đoạn 2000 - 2005 tốc độ giảm khá nhanh. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, vì tổng nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang các mục đích khác giai đoạn 2009 - 2030 trên địa bàn cả nước dự kiến khoảng 500.000ha. Trong khi đó, yêu cầu về đất lúa tối thiểu duy trì năng lực sản xuất lúa gạo đáp ứng nhu cầu trong nước vào năm 2010, 2015, 2020, 2030 lần lượt là 3.288 ngàn ha; 3.242 ngàn ha; 3.199 ngàn ha; 3.185 ngàn ha.
Đất lúa không thể thay thế
Kết quả nghiên cứu và dự báo của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPPC) và Ngân hàng Thế giới cho thấy: Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc biến đổi khí hậu. Trong 100 năm tới, nước biển sẽ dâng 1 m, nhiệt độ sẽ tăng thêm 2 độ C. Theo đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1,5 - 2 triệu ha và vùng đồng bằng Sông Hồng có 0,3 - 0,5 triệu ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất lúa bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể sản xuất. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa giảm 10%, ngô khoảng 5 - 20%, nhu cầu nước tưới tăng thêm 10%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo và tạo nhiều khó khăn, thách thức đối với việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong tương lai. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa canh tác của vùng nếu không chủ động các biện pháp phòng tránh ngay từ bây giờ.
Với mục tiêu nhằm duy trì diện tích đất canh tác lúa đến năm 2015 là 3,85 triệu ha, đến năm 2020 là 3,7 triệu ha và từ năm 2030 giữ ổn định lâu dài là 3,6 triệu ha, trong đó, đất chuyên lúa nước là 3,2 triệu ha, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án "Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến 2020, tầm nhìn đến 2030 của Bộ NN&PTNT". Bộ này có quan điểm, đất lúa không thể thay thế và có ý nghĩa quyết định với an ninh lương thực quốc gia. Có ý kiến cho rằng, đất lúa cũng là di sản, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm rà soát điều chỉnh các chính sách ưu đãi trong Luật Đầu tư và các văn bản khác về phát triển công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đô thị theo hướng hạn chế tối đa việc lấy đất chuyên lúa.