Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Nguy cơ tồn ứ cả triệu tấn lúa gạo
29 | 05 | 2009
Giá thế giới giảm, xuất khẩu gạo bị chậm lại, doanh nghiệp không thu mua lúa trong dân làm cả triệu tấn lúa gạo hàng hóa đang bị tồn đọng.

Những tín hiệu vui về thị trường xuất khẩu gạo mấy tháng đầu năm nay làm người trồng lúa cả nước phấn khởi, nhất là nông dân ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất nước. Nhưng mừng vui chẳng bao lâu thì khoảng một tuần nay, giá lúa gạo hàng hóa bất ngờ rớt khá mạnh khiến nông dân trồng lúa đứng ngồi không yên.

Bán đổ bán tháo

Ông Nguyễn Văn Thế, ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, chỉ đống lúa chất thành dãy cao quá đầu nằm ì cả tuần nay chưa bán được, than: “Trước đây thương lái tới nhà nài nỉ kêu bán giá 4.800 đồng/kg nhưng tôi chưa chịu bán vì muốn chờ giá lên thêm.

Nay kêu bán chẳng thương lái nào dòm tới. Đứa cháu làm bạn hàng mua lúa cho biết giá thị trường hiện nay chỉ còn 4.200 đồng/kg”. Không ít người lo ngại cảnh ứ đọng lúa năm ngoái sẽ tái diễn nên chấp nhận bán đổ bán tháo. “Bán bây giờ lỗ ít, để vài tháng nữa giá sụt nữa còn lỗ nặng hơn” - ông Tư Ngoan, hàng xóm của ông Thế, lo ngại.

Còn nhiều người ở huyện Phú Tân, Thoại Sơn, tỉnh An Giang thì phải bán gấp toàn bộ số lúa trong nhà vì tới hạn trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu và phải trang trải chi phí đầu tư xuống giống vụ lúa hè thu muộn.

Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhu cầu của thị trường không còn nhiều, xuất khẩu bị chậm lại nên doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không mua lúa hoặc chỉ mua cầm chừng. Trong khi đó, nông dân nôn nóng ùn ùn bán lúa càng góp phần làm cho giá lúa rớt nhanh hơn.

Lúa gạo còn nhiều

Theo một số DN xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang..., giá gạo các loại giảm từ 300 đồng – 700 đồng/kg nên họ đã ngưng mua vào. “Công ty tôi còn tồn trên 10.000 tấn gạo chưa tiêu thụ được thì làm sao mua vào tiếp. Lượng gạo này đã bị tồn từ tháng 3 tới nay. Đợt rớt giá vừa rồi chúng tôi lỗ hơn 3 tỉ đồng” - ông Lê Gia Hằng, Phó Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Nông sản Kiên Giang, cho biết.

Tỉnh Kiên Giang có sản lượng 3,4 triệu tấn lúa/năm, trong đó riêng vụ đông xuân đã chiếm khoảng 1,7 triệu tấn, tương đương 850.000 tấn gạo. Tuy nhiên, kế hoạch xuất khẩu gạo của tỉnh này bao gồm cả chỉ tiêu được giao và hợp đồng do các DN tự ký kết chỉ có 700.000 tấn cho cả năm 2009.

Tính luôn lượng lúa gạo tiêu dùng trong dân tại địa phương tỉnh này vẫn còn tồn đọng trên 250.000 tấn gạo. Các địa phương có sản lượng lúa lớn còn tồn đọng trong dân chưa bán được hiện nay là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ...

“ĐBSCL có tổng sản lượng lúa khoảng 20 triệu tấn/năm, vụ đông xuân là 10 triệu tấn, sẽ cho ra 5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, chỉ tiêu xuất khẩu cả nước của năm nay chỉ có 5 triệu tấn nhưng hiện nay đã xuất hơn 3,5 triệu tấn, như vậy chỉ tiêu chỉ còn 1,5 triệu tấn.

Trong khi đó lượng lúa gạo trong dân còn khá nhiều, chưa kể diện tích lúa hè thu sẽ xuống giống 1,6 triệu ha, cộng với vụ thu đông và vụ mùa tổng số khoảng 10 triệu tấn lúa nữa. Như vậy khó bảo đảm tiêu thụ hết số lượng lúa gạo tồn đọng trong dân từ nay tới cuối năm. Nguy cơ tồn ứ lúa gạo có thể sẽ tái diễn” - tiến sĩ Bảnh chia sẻ.



Nguồn: cafef.vn
Báo cáo phân tích thị trường