Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Được mùa mà lo
11 | 06 | 2009
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thu mua lúa hàng hóa cho nông dân với lợi nhuận không dưới 30%, nhưng trước bối cảnh giá lúa sụt giảm, ghe thuyền không ghé thu mua lúa, không ít nông dân đã tỏ ra lo lắng.
 

Nên thu mua tạm trữ lúa gạo sớm

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả 13 tỉnh ĐBSCL đều gặt hái những thắng lợi trong vụ đông xuân. Ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… đều tăng cả về diện tích gieo trồng lẫn sản lượng và năng suất. Trong khi vụ hè thu hiện đã gieo cấy đạt 64% và dự kiến có thể đạt 2,05 triệu ha, tăng 134.000ha so với năm trước, sản lượng dự kiến đạt 9,53 triệu tấn, thời tiết lại khá thuận lợi, sâu bệnh ít. Bộ NN&PTNT cho rằng, tổng sản lượng lúa gạo cả năm 2009 có thể tương đương hoặc cao hơn năm trước.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay: "Năm nay ĐBSCL có thể thu hoạch khoảng 20,7 triệu tấn lúa. Nếu trừ đi phần dự trữ, ăn, hao hụt và cộng thêm cả lượng lúa gạo của Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông, miền Trung Nam bộ... thì lượng lúa còn dư khoảng 10,2 triệu tấn, tương đương 5,1 triệu tấn gạo".

Mặc dù được mùa lớn cả về sản lượng và năng suất, nhưng nhiều lãnh đạo địa phương lại tỏ ra băn khoăn trước tình hình tiêu thụ lúa gạo cũng như giá thu mua sụt giảm. Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện giá thu mua lúa ở địa phương đang tụt bình quân 500 đồng, xuống còn 4.100 đồng/kg so với cuối tháng 4, đầu tháng 5/2009. Ông đề nghị Bộ NN&PTNT và VFA cần cảnh giác trước hiện tượng không tiêu thụ được lúa như năm ngoái. Nếu không sớm giải quyết, trong tháng sau, việc tiêu thụ lúa gạo sẽ trở thành vấn đề nóng, khá phức tạp.

“Với tình hình hiện nay, nên tăng chỉ tiêu xuất khẩu lên 6 triệu tấn, chứ không nên áp mức 5,2 triệu tấn. Đồng thời, cho phép tỉnh Kiên Giang được mua tạm trữ 150.000 tấn gạo để bình ổn giá. Làm như vậy có khả năng giữ được giá và mua được số lúa dư trong nông dân” - ông Phong nói.

Đại diện tỉnh Bạc Liêu đề nghị, Chính phủ nên cho phép thu mua tạm trữ ngay từ bây giờ, còn để sang tận tháng 8 và 9 như năm 2008 là quá muộn và không có lợi cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp (DN). Năm 2008, do cơ chế mua tạm trữ chưa rõ ràng nên DN không mạnh dạn thu mua. Trong khi đó, người dân lại trông chờ vào chính sách này của Chính phủ nên đã quyết tâm đợi và phải chịu thiệt - giá lúa từ 3.500 đồng/kg đã rớt xuống còn 3.000 đồng/kg.

Trước những kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, chủ trương của Chính phủ không hạn chế việc xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu thì cần phải có sự tính toán, căn cứ theo khả năng sản xuất. “Nếu điều hành không khéo, nâng chỉ tiêu xuất khẩu lên 6 triệu tấn, có thể đối mặt với việc giá sẽ giảm hơn nữa. Nếu phân chỉ tiêu cho các địa phương, có thể dẫn đến việc đăng ký tăng lượng xuất khẩu lên rất cao. Khi đó, giá xuất khẩu sẽ không cao” - Phó Thủ tướng nói.

Liên quan tới việc mua tạm trữ lúa gạo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương đánh giá lại toàn bộ những mặt được và chưa được của việc tạm trữ năm 2008, rút ra kinh nghiệm và đề xuất cơ chế mua tạm trữ năm 2009. Thời gian tiến hành phải làm sớm hơn năm 2008, nếu có thể thì đầu tháng 7/2009 sẽ được áp dụng. 

“Đặc điểm ở ĐBSCL là lúc nào cũng có lúa. Do đó, cơ quan điều hành xuất khẩu gạo cần phải nắm chắc sản lượng trên đồng để điều chỉnh việc thu mua lúa cho dân, giúp doanh nghiệp chủ động ký các hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt, cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo dự trữ để tránh tình trạng lúa bị ứ đọng ngày càng nhiều”. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp

Đẩy mạnh xuất khẩu

Theo báo cáo của VFA, đến cuối tháng 5/2009 đã xuất khẩu được xấp xỉ 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,2 tỉ USD, tăng hơn 50% về số lượng và 28,2% giá trị so với năm 2008. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Song, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng: Các nước xuất khẩu lớn trên thế giới đang muốn bán lượng gạo tồn kho. Thái Lan dự định bán ra khoảng 3,8 triệu tấn, với giá dự báo 405 USD mỗi tấn, chấp nhận lỗ. Ấn Độ cũng có chủ trương bán ra nhưng trong nước đang gặp hạn hán. Ước tính châu Phi tồn khoảng 800.000 tấn. Thông tin nguồn cung thế giới tăng cao khiến người dân trong nước lo ngại, DN cũng cố gắng nhanh tay bán với bất cứ giá nào.

Dường như tại các tỉnh ĐBSCL, tỉnh nào cũng còn một lượng lúa tồn kho rất lớn: Tỉnh Kiên Giang tồn trong kho 126.000 tấn; tỉnh Vĩnh Long tồn gần 100.000 tấn; tỉnh An Giang tồn trong dân gần 200.000 tấn, trong các DN là 150.000 tấn… Trong khi đó, việc ký kết hợp đồng xuất khẩu rất khó khăn. Thậm chí, do lượng tồn quá lớn dẫn đến DN chỉ cần đưa chỉ tiêu được giá là bán mà không biết mình đang phá giá thị trường.

Trước tình hình tiêu thụ lúa gặp khó khăn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành tiêu thụ, xuất khẩu gạo là nỗ lực tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu. Bộ Công thương thường xuyên giao ban, chỉ đạo VFA, các DN tăng cường tìm thị trường, ký hợp đồng xuất khẩu; sửa đổi các cơ chế liên quan theo hướng minh bạch, gắn trách nhiệm hơn, xử lý triệt để vấn đề DN phá giá, gây thiệt hại chung.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường