Theo ước tính, 5 tháng đầu năm nay, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước ta đạt tới 52 ngàn tấn, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2008. Đáng chú ý là giá tiêu xuất khẩu trong những tháng đầu năm nay liên tục giảm.
Tính đến tháng 5, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng này đã giảm xuống còn 2.224 USD/T, giảm tới 21% so với mức giá xuất khẩu trung bình tháng 12/2008 và xuống thấp hơn cả mức giá trong những tháng cuối năm 2006.
Hiện, Việt Nam đã cơ bản thu hoạch xong vụ hồ tiêu 2008/09 với sản lượng đạt khá cao là 95 ngàn tấn, tăng 4 ngàn tấn so với năm 2008 (tương đương mức tăng 4,4%).
Như vậy có thể thấy, mặc dù sản lượng tiêu của nước ta trong niên vụ vừa qua tăng không nhiều nhưng các doanh nghiệp và người dân vẫn ồ ạt bán và xuất khẩu hạt tiêu ra cho dù giá giảm mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này là do:
Mặc dù giá hồ tiêu giảm và dao động trong mức 30.000-33.000 đ/kg, người trồng hồ tiêu vẫn có lãi khoảng 16.000 đ/kg, tức 50% (năm 2008 là 60-70%).
Tâm lý lo ngại giá hạt tiêu nói riêng và giá hàng hoá nói chung sẽ còn giảm mạnh do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoạt động tài chính, tín dụng xuất nhập khẩu trên thế giới tạm thời bị gián đoạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, trong đó bao gồm cả mặt hàng hạt tiêu.
Các doanh nghiệp chưa tập trung chế biến mà chủ yếu sơ chế rồi đem xuất ngay khiến tiêu Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới, nhiều nước đã nhập tiêu nước ta sau đó gắn thương hiệu của họ và bán với giá cao hơn nhiều.
Dự báo giá hạt tiêu trên thị trường thế giới sẽ phục hồi trở lại. Dự báo này dựa trên các cơ sở sau:
Nguồn cung không còn nhiều. Tại Việt Nam (nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới) nguồn cung dành để xuất khẩu trong 7 tháng cuối năm nay chỉ còn khoảng trên 40 ngàn tấn.
Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trên thế giới hầu như không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.
Mặt bằng giá nhiều mặt hàng cũng đang có xu hướng phục hồi trở lại.