Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng cường thu mua lúa gạo trong dân - Nông dân bớt khó, doanh nghiệp bớt khổ
18 | 06 | 2009
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng cường thu mua lúa gạo trong dân, không để tồn đọng lúa hàng hóa, bảo đảm có lời 30%, nông dân ĐBSCL đang hết sức phấn khởi, trong khi các doanh nghiệp cũng tháo gỡ được nhiều khó khăn.

Nông dân được “giải nguy”

Niềm vui của nông dân khi lúa hàng hóa được tiêu thụ dễ dàng.

Là một “nông dân @” của tỉnh An Giang, ngày nào ông Từ Bá Đạt ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú cũng bỏ hàng giờ đồng hồ lướt web để nghe ngóng thông tin về nông nghiệp.

Đọc được thông tin chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng cường thu mua lúa gạo với mức giá đảm bảo có lợi cho nông dân, ông Đạt mừng rỡ in ra hàng chục bản đem phân phát cho bà con lối xóm, và chỉ trong vòng nửa ngày thông tin này đã đến hàng trăm hộ nông dân ở Thạnh Mỹ Tây.

Ông Đạt phấn khởi: “Nhà tui hiện còn 15 tấn lúa đông-xuân chưa bán được, trong khi lúa hè-thu đang chuẩn bị thu hoạch, mấy bữa nay mất ăn mất ngủ vì lo tồn đọng như năm ngoái”.

Theo chỉ dẫn của ông Đạt, chúng tôi tìm đến nhà ông Đào Văn Um, một trong những hộ dân sản xuất lúa nhiều nhất của xã Thạnh Mỹ Tây. Năm ngoái, gia đình ông Um bị tồn đọng hơn 40 tấn lúa, phải bán với giá 3.500 đồng/kg, tính ra lỗ vốn. Mấy tháng qua, 62 tấn lúa đông-xuân vẫn nằm bất động trong nhà vì chưa được giá; chưa kể, gần 7 ha lúa hè-thu của ông đang trong giai đoạn trổ đòng.

Vì vậy ông Um thấu hiểu nỗi lo tồn đọng lúa hơn ai hết: “Rầu quá, mấy ngày nay tôi chẳng thèm ra đồng. Đến khi nghe thông tin chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi phấn khởi quá chừng. Ổn định được đầu ra chúng tôi mới yên tâm sản xuất”.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chủ trương của Chính phủ đã gỡ bỏ mối lo tồn đọng cho hàng triệu người trồng lúa tại ĐBSCL. Ngoài ra, việc chỉ đạo các doanh nghiệp mua lúa gạo cho nông dân với giá cả hợp lý cũng chính là chia sẻ bớt khó khăn cho người dân.

Doanh nghiệp bớt “khổ”

Ghe của thương lái tại An Giang mua lúa của nông dân rồi bán lại cho cơ sở xay xát.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng lên kế hoạch thu mua lúa cho nông dân.

Tỉnh Kiên Giang đã giao cho Sở Công thương, Sở NN-PTNT tỉnh và các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn từ nay đến cuối tháng 6 phải tiến hành rà soát số lượng lúa đông-xuân hiện còn tồn trong dân; nắm rõ giá bán lúa, giá thành sản xuất thực tế, tránh thiệt hại cho nông dân.

Tính đến ngày 31-5, lượng lúa đông-xuân mà Công ty Lương thực Tiền Giang đã thu mua khoảng 370.000 tấn lúa (tương đương 185.000 tấn gạo). Hiện nay ngoài việc chủ động ký hợp đồng xuất khẩu, công ty cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh thu mua lúa hàng hóa trong dân. An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp quốc doanh lên kế hoạch thu mua lúa.

Theo các doanh nghiệp, lâu nay do điều kiện về hạn ngạch nên việc thu mua xuất khẩu của doanh nghiệp bị thụ động, dẫn đến không khai thác hết được tiềm năng xuất khẩu. Việc không tận dụng được những hợp đồng giá cao cũng ảnh hưởng nhiều đến giá thu mua hàng hóa trong dân.

Ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hiệp Thanh (quận Thốt Nốt, Cần Thơ), cho biết: “Khả năng công ty tôi có thể mua 6.000 tấn lúa mỗi ngày, nhưng do phụ thuộc vào chỉ tiêu nên không dám thu mua nhiều vì sợ tồn kho… Nay, khi không còn giao chỉ tiêu cho từng địa phương, doanh nghiệp có thể thu mua theo những hợp đồng ký được”. Công ty Hiệp Thanh đang thu mua khoảng 1.400 tấn lúa hàng hóa/ngày, và tiếp tục đẩy mạnh thu mua để tránh tồn đọng lúa hè-thu trong dân.

Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng: Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, tới đây các doanh nghiệp sẽ chủ động được kế hoạch kinh doanh của mình, không còn phải chờ chỉ tiêu từ hiệp hội giao rồi mới thu mua vì như vậy sẽ làm chậm tiến độ ký hợp đồng và giao hàng. Cần phải có cơ chế điều hành hợp lý để thực hiện theo đúng chỉ tiêu xuất khẩu hàng năm đề ra.

Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn hợp lý cho các doanh nghiệp mua và trữ lúa; đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng thêm các kho chứa và thiết bị bảo quản, có như vậy mới đảm bảo việc thu mua lúa trong dân, không để xảy ra tình trạng tồn đọng.

Theo kiến nghị của nhiều nông dân, vấn đề đầu ra của hạt lúa được Chính phủ quan tâm chỉ đạo như vậy là hết sức cần thiết và kịp thời, nhưng nông dân không chỉ chịu tác động của đầu ra cây lúa mà còn chịu tác động rất lớn từ phía vật tư đầu vào.

Theo ông Từ Bá Đạt, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, năm nay vật tư đầu vào tăng khoảng 10% so với năm ngoái trong khi giá lúa cùng thời điểm lại thấp hơn. Tổng chi phí cho 1 ha lúa hè-thu năm nay vào khoảng 3 triệu đồng, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 2,6 triệu đồng.

Nguyên nhân vật tư nông nghiệp tăng được xác định là do các kênh phân phối, nhất là các đại lý, thường xuyên điều chỉnh giá bán vật tư, thậm chí có lúc “ém hàng” gây khan hiếm để tung ra với giá cao hơn.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường