Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu đồ gỗ vẫn còn nhiều khó khăn
18 | 06 | 2009
Trong bối cảnh xuất khẩu đồ gỗ thiếu đơn hàng, giá giảm, phát triển thị trường nội địa cũng khó khăn, thì tới tháng 4 - 5, thị trường Mỹ trở thành niềm hy vọng của nhiều doanh nghiệp. Thị trường Nga và Trung Đông cũng tạo được sự chú ý, dù mới đóng góp rất nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu gỗ những tháng đầu năm.

Không dễ thúc đẩy thị trường nội địa

Khi gặp khó khăn trong xuất khẩu, các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... rất nhanh chóng tìm đường quay về thị trường nội địa và coi đó là phương án kinh doanh tốt để vượt qua khó khăn, nhưng các doanh nghiệp gỗ cho rằng, thúc đẩy thị trường trong nước không phải là việc dễ.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp gỗ trong nước, từ đầu năm đến nay, sức tiêu thụ gỗ của thị trường nội địa giảm sút so với trước. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không cấp thiết, trong đó có sản phẩm gỗ. Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến doanh thu nội địa của các doanh nghiệp gỗ sụt giảm mạnh là trong một năm qua thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo sự giảm sút của đồ gỗ nội thất.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho biết, hiện nay thị hiếu tiêu dùng của người dân vẫn chưa thay đổi, vẫn thích “ăn chắc mặc bền”, sử dụng sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên mà không chuộng sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng hay gỗ nhân tạo.

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Trường Thành cho biết thêm, doanh nghiệp gỗ muốn quay về thị trường nội địa thì phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từ tiếp thị, thiết kế, kênh phân phối... Nhưng để làm được điều này phải mất 3 - 4 năm trong khi khó khăn thì luôn hiển hiện trước mắt.

Hiện tại các doanh nghiệp gỗ đang tập trung vào hai thị trường được xem là tương đối có triển vọng là sản xuất bàn ghế, dụng cụ học tập cho các trường học ở vùng sâu vùng xa và thị trường vùng, nơi có tốc độ đô thị hóa cao và sử dụng nhiều sản phẩm gỗ.

Trong khó khăn vẫn hy vọng

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết xuất khẩu gỗ trong sáu tháng đầu năm ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2008. Khảo sát của Vietfores tại Bình Định, Đồng Nai cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình thế khó khăn, sản xuất thu hẹp vì thiếu đơn hàng. Thêm vào đó, giá mà các đối tác nhập khẩu đưa ra trong thời gian gần đây giảm từ 10 - 15% so với trước trong khi giá nguyên liệu, vận tải, điện tăng lên, khiến hơn 70% doanh nghiệp gỗ đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Trong tình hình chung như vậy, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, tới đây ngoài việc giữ vững thị trường truyền thống như Nhật, châu Âu, Mỹ thì doanh nghiệp gỗ trong nước sẽ đặc biệt chú ý đến thị trường Nga và Trung Đông.

Từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp gỗ bắt đầu tìm kiếm thị trường mới, trong đó Nga được coi là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, cái khó là việc chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng USD, euro rất khó. Vì vậy doanh nghiệp đang kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này để việc thâm nhập thị trường Nga thuận lợi hơn.

Gần đây, Công ty Trường Thành cũng đã bắt đầu tiếp cận với thị trường Trung Đông và Nga. Tuy nhiên, trong quý I/2009, số lượng hàng mà doanh nghiệp Việt Nam bán vào hai thị trường này rất ít. Vì vậy, để sản phẩm gỗ vào được hai thị trường này thì Nhà nước, doanh nghiệp cần phải xây dựng một chiến lược dài hạn.

Theo ông Võ Trường Thành, trong tháng 4 và tháng 5, thị trường Mỹ có dấu hiệu hồi phục khi số lượng hàng xuất khẩu tăng 12%. Một số nhà nhập khẩu Mỹ trước đây lấy hàng của Trung Quốc thì nay chuyển sang lấy hàng của doanh nghiệp Việt Nam. Với đà này, nhiều doanh nghiệp gỗ hy vọng thị trường Mỹ sẽ hồi phục sớm hơn thị trường châu Âu.



Nguồn: www.vietnamplus.vn
Báo cáo phân tích thị trường