Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường phân bón quý 2: Doanh nghiệp loay hoay xoay ngoại tệ
08 | 07 | 2009
Trong các yếu tố cấu thành nên sản phẩm nông nghiệp, phân bón giữ một vai trò quyết định và có ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành đầu ra. Theo số liệu thống kê một vài năm trở lại đây lượng tiêu thụ phân bón của Việt Nam đang tăng cao nhưng nguồn cung chủ yếu vẫn từ nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu trong nước. Trước mỗi vụ mùa người nông dân luôn phải đối mặt với nỗi lo thiếu phân bón, giá phân bón tăng cao. Làm gì để bình ổn thị trường phân bón Việt Nam, ngành phân bón Việt Nam cần có chiến lược gì để phát triển đúng hướng. BTV www.agro.gov.vn đã có trao đổi nhanh với Thạc sĩ Trương Hồng Kim- chuyên gia phân tích thuộc AGROINFO là đơn vị tổ chức hội thảo ngành phân bón vào ngày 15-7-2009 tới đây.

-Thưa bà, nội dung chính của hội thảo “ÁP LỰC TĂNG GIÁ TỪ CHI PHÍ ĐẨY” ngành phân bón Việt Nam do AGROINFO tổ chức lần này sẽ đề cập đến những vấn đề gì của ngành phân bón Việt Nam?

Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam tiêu thụ một lượng phân bón không nhỏ hàng năm, kim ngạch nhập khẩu phân bón từ năm 2001 đến nay vẫn có chiều hướng tăng. Theo ước tính của Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam, nhu cầu phân bón các loại của cả nước năm 2009 là 7,8 triệu tấn, trong đó, 1,7 triệu tấn phân đạm urê; 1,85 triệu tấn phân NPK; DAP 0,7 triệu tấn; 1,6 triệu tấn phân lân trong nước sản xuất và một số chủng loại phân khác (SA, Kali...).

Tuy nhiên, thị trường phân bón Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Công nghiệp sản xuất phân bón nội địa Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% cầu về urê, 100% phân lân nung chảy và NPK từ lân nung chảy. Các loại phân khác như SA, Kali...hiện nay đang phải nhập khẩu 100%. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm tới trên 40% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của Việt Nam. Do đó các chính sách điều tiết xuất nhập khẩu phân bón của Trung Quốc có tác động nhanh chóng và trực tiếp tới thị trường Việt Nam.

Hiện thị trường phân bón Việt Nam chưa có chiến lược phát triển dài hạn, các văn bản quản lý điều hành đều có tính sự vụ. Chưa có luật phân bón và chiến lược dài hạn cho ngành phân bón. Hội thảo lần này ngoài việc đề cập đến hiện trạng của ngành phân bón Việt Nam, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích tình hình thị trường phân bón quý II và dự báo nửa cuối năm 2009 với những dự báo về cung, cầu và mặt bằng giá cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận ngoại tệ của doanh nghiệp, khó khăn do chính sách thuế nhập khẩu. Nhìn chung, đây sẽ là một cuộc hội thảo có tính quy mô để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, có tầm nhìn chiến lược về thị trường phân bón cũng như giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin thị trường phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh từ nay đến hết năm 2009.

- Trong một vài năm trở lại đây, lượng tiêu thụ phân bón trong nước đang tăng mạnh tuy nhiên thị trường luôn trong tình trạng bất ổn, lúc thiếu lúc thừa, vậy đâu là nguyên nhân chính của hiện tượng này?

Vụ mùa hè thu 2009 người nông dân đã có thể thở phào khi dự báo nguồn cung về phân bón khoảng 1,84 triệu tấn được cung ứng đủ và dư thừa hơn các vụ mùa trước. Nguyên do là các doanh nghiệp trong nước đã tăng thêm lượng sản xuất và số lượng nhập khẩu cũng tăng hơn do các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu lúc giá thị trường thế giới đang xuống.

Tuy nhiên, do giá phân bón trên thị trường Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ các biến động giá trên thị trường thế giới do tỷ trọng nhập khẩu cao và không chủ động được nguồn cung nên chuyện thiếu, thừa vẫn xảy ra. Bên cạnh đó là việc điều tiết thị trường chưa được thực hiện tốt, các số liệu dự báo cung cầu còn có sự chênh lệch lớn. Chưa có cơ quan nào đứng ra điều tiết hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và dự trữ phân bón trên bình diện tổng thể để cân đối cung cầu trong nước mà hoàn toàn là do các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu tự cân đối phụ thuộc vào khả năng của mỗi doanh nghiệp.

- Được biết các chuyên gia phân tích của AGROINFO đã có sự chuẩn bị khá chi tiết về hiện trạng ngành phân bón Việt Nam qua các báo cáo phân tích, các khảo sát thị trường. Vậy bà có thể cho biết các tham luận của các chuyên gia tại hội thảo sẽ đi sâu vào phân tích vấn đề gì?

Trong hội thảo lần này chúng tôi sẽ tập trung thảo luận về tình hình thị trường phân bón quý II/2009 trong đó xem xét toàn diện các vấn đề về cung/cầu/giá cả trên thị trường trong 6 tháng đầu năm qua và dự báo về triển vọng thị trường trong nửa cuối năm 2009.

Thị trường phân bón Việt Nam tính đến hết quý II/2009 khá ổn định với nguồn cung dồi dào, giá cả không có biến động mạnh. So với cùng kỳ năm 2008 giá phân bón đã giảm mạnh, đặc biệt là giá phân bón nhập khẩu trung bình 6 tháng đầu năm chỉ vào khoảng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo nửa cuối năm 2009 giá cả vẫn có xu hướng tăng do chi phí đẩy.

Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn thảo luận thêm các vấn đề về khó khăn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phân bón trong việc tiếp cận ngoại tệ và các rủi ro về tỷ giá hối đoái; tác động của chính sách xuất khẩu phân bón Trung Quốc với thị trường Việt Nam; vấn đề phân bón giả và các chính sách điều tiết thị trường phân bón của Việt Nam cho đến nay.

- Sau hội thảo ngành phân bón Việt Nam từ nay đến hết tháng 7 sẽ là một loạt các hội thảo về các ngành lúa gạo, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, thuỷ sản, thịt và thực phẩm. Vậy ý nghĩa của hội thảo ngành phân bón trong chuỗi các sự kiện hội thảo lần này là gì và bà kỳ vọng vào điều gì từ các hội thảo?

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009 đã có những bước hồi phục và tăng trưởng trở lại trong sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Nhà nước cũng đã biện pháp kích cầu cụ thể đối với từng ngành, có nhiều chính sách hỗ trợ đến các doanh nghiệp để trợ giúp doanh nghiệp qua cơn khó khăn. Các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp Việt Nam cũng nằm trong gói giải pháp ấy.

Lúa gạo, phân bón, thuốc trừ sâu hay thuỷ sản tuy là những ngành độc lập nhưng có những mối liên hệ tương quan với nhau như là khâu đầu vào, đầu ra của nông nghiệp hay trong sự phát triển của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và tham gia vào tổ chức thương mại thế giới WTO. Thông qua hội thảo lần này, doanh nghiệp ngành phân bón và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp có thể sâu sát hơn với tình hình thị trường, nắm rõ hơn về nhu cầu thông tin. Đã tới lúc cần có sự đánh giá toàn diện về các ngành hàng để nâng cao chất lương sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Hội thảo ngành phân bón nói riêng và chuỗi hội thảo ngành nói chung mà AGROINFO phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện các ngành hàng, các doanh nghiệp, ngân hàng, tập đoàn kinh tế lớn, các đơn vị truyền thông nhằm tìm ra tiếng nói chung, đưa ra những phân tích, dự báo chính xác phù hợp với yêu cầu thực tiễn để phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn bà

Báo cáo ngành Phân bón Việt Nam quý 2 năm 2009 sẽ ra mắt vào ngày 13-7-2009.

Thông tin chi tiết về Hội thảo ngành Phân bón Việt Nam quý 2

Thông tin chi tiết về Báo cáo ngành Phân bón Việt Nam


Tải mẫu đặt mua báo cáo ngành Phân bón quý 2 năm 2009

Hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về nội dung và đặt mua ấn phẩm qua bộ phận dịch vụ khách hàng.

Nguyễn Thị Thu Hà - YM: banhang_agro

Địa chỉ: Số 6 Nguyễn Công Trứ - Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội

ĐT: 04.39.725.153
Fax: (84 4) 39726949

Email: banhang_agro@yahoo.com



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường