Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý trái cây VN: “Nhạc trưởng” giống cây ở đâu?
16 | 07 | 2009
Đến nay nhiều nông dân vẫn chủ yếu trồng những giống cây ăn trái truyền thống, không có đột phá về giống trong khi thị trường nội địa lẫn xuất khẩu ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng trái cây.

Khổ vì giống

Mua giống xoài cát Hòa Lộc về trồng nhưng khi cho trái chỉ lớn hơn... nắm đấm trẻ con, còn vị thì chua... như dấm. Mua giống quýt đường về trồng, nhưng khi thu hoạch thì trái chua hơn me. Mua sầu riêng Ri6 về trồng thì lại cho ra quả xấu và sượng. Có người trồng giống bưởi da xanh nhưng khi ra quả thành bưởi da vàng...

Muốn lai tạo, chuyển gien thì phải có phương tiện, thời gian và có tiền. Nhưng đề tài cây ăn trái từ khi lai tạo, thử nghiệm đến khi cho kết quả có khi phải mất hàng chục năm, trong khi các công trình nghiên cứu khoa học của mình chỉ từ 1-2 năm thì đòi phải có sản phẩm nghiệm thu rồi

PGS-TS Nguyễn Bảo Vệ

Đó là những chuyện “cười ra nước mắt” xảy ra ở vùng trồng cây ăn trái ĐBSCL. Chuyện người làm vườn mua phải giống giả thì kể... không xiết. Đơn cử trường hợp của ông Sáu Tuân ở Bến Lức, Long An. Khi địa phương rầm rộ với phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông cùng vài người hàng xóm lặn lội xuống tận Chợ Lách, Bến Tre để chọn mua cho đúng giống xoài cát Hòa Lộc. Và hơn 3 năm chờ đợi, vườn xoài không những cho năng suất rất thấp mà chất lượng lại quá... tồi. Bấm bụng, ông đành phải chặt hết vườn, mặc dù xoài đang vào vụ thu hoạch.

Cho đến nay, các giống cây ăn trái đặc sản của VN đang được thị trường ưa chuộng chủ yếu do nông dân phát hiện và nhân giống. Giống bưởi da xanh hiện nay do ông Ba Rô (Đặng Văn Rô ở xã Thanh Sơn, Mỏ Cày, Bến Tre) phát hiện tại vườn nhà, giống sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa nổi tiếng xuất xứ từ ông Nguyễn Văn Hóa (xã Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre), giống vú sữa bơ hồng được ông Ba Long (Nguyễn Thanh Nhã ở xã Sơn Định, Chợ Lách, Bến Tre) phát hiện. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân, các cơ sở buôn giống tha hồ vẽ vời, đặt tên giống thật hấp dẫn để làm giá. Nhiều cơ sở bán giống mạo nhận những giống nổi tiếng.

Chủ nhân của giống vú sữa bơ hồng cho biết: “Hiện giống vú sữa bơ hồng của tôi xuất hiện rất nhiều ở cơ sở bán giống, thậm chí bị chôm ảnh trưng bày nhằm tạo niềm tin cho người mua. Những người sản xuất giống chân chính gặp nhiều khó khăn, trong khi người bán giống trôi nổi hưởng lợi mà không có một trách nhiệm nào”.

Thị trường cây giống hiện đang chấp nhận nhập ngoại rất lớn, trong đó chủ yếu từ Thái Lan. Các phiên chợ giống luôn tràn ngập giống nhập từ Thái như mít, ổi, dừa, chôm chôm...

Tại Hội thi trái ngon, an toàn vừa diễn ra ở tỉnh Bến Tre, Hội đồng giám khảo đã công bố giống nhãn Thạch Kiệt đoạt giải nhì, tuy nhiên, đây là giống nhãn có xuất xứ từ... Trung Quốc. Cũng tại hội thi này, giống xoài Úc có tên là xoài Samen du nhập từ Úc được tiêu thụ khá mạnh dù Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, đây là giống xoài mới du nhập vào VN nên nhà vườn chỉ nên trồng khảo nghiệm mà chưa khuyến khích trồng đại trà.

Nhạc trưởng ở đâu?

“Khác với giống lúa, có những trường hợp đột phá vì ngắn ngày. Việc lai tạo cây ăn trái phải mất thời gian dài và đây cũng là quy luật chung của các nước Đông Nam Á. Ngay cả Thái Lan và các nước tiên tiến khác cũng đều sử dụng giống trời cho” - TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, khẳng định như vậy.

Thời gian qua các nhà khoa học cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc chọn lọc, khẳng định những giống tốt có sẵn từ thiên nhiên và tạo được tên tuổi cho nhiều loại trái cây VN, như: sầu riêng Ri6, bưởi da xanh, cam không hạt, nhãn xuồng cơm vàng, đồng thời du nhập những giống tốt của nước ngoài như khóm cayen, bơ hass, nho xanh Ninh Thuận... Riêng về lai tạo thì các nhà khoa học cũng đã tạo được giống thanh long ruột đỏ, còn những dòng lai khác như nhãn, bưởi, xoài thì chuẩn bị công bố.

Theo TS Châu, sản xuất trái cây rất cần sự liên kết, trong đó sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là tối quan trọng. Nhưng hiện nay tìm được mô hình như vậy là rất khó. Cho tới thời điểm này chỉ có một vài mô hình doanh nghiệp gắn kết với nông dân từ đầu đến cuối, bắt đầu từ hỗ trợ cây giống, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm, như Donatechno (Đồng Nai), Vinamit (Bình Dương) và gần đây là có tập đoàn Metro đã cấp kinh phí để nông dân sản xuất theo tiêu chí Global GAP và mua lại sản phẩm.

Riêng các cơ quan nghiên cứu khoa học do kinh phí hạn hẹp nên chỉ hỗ trợ cho nông dân quanh quẩn ở các khâu: tập huấn, xây dựng mô hình nhỏ chừng 5-7 ha.

PGS-TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng bộ môn Khoa học cây trồng, trường ĐH Cần Thơ, cũng khẳng định: “VN có rất nhiều giống cây tốt. Vấn đề là làm sao khai thông được thị trường. Trong chuyện này, lâu nay có tình trạng 2 phía chờ nhau. Chẳng hạn như kêu nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, khả năng người nông dân làm được. Nhưng làm xong rồi mà không có thị trường thì chi phí người nông dân bỏ ra không bù đắp lại được. Trong khi đó thì doanh nghiệp lại kêu không có hàng mẫu, không có số liệu về kỹ thuật trồng thì lấy gì để chào hàng? Vậy ai sẽ là người khai thông bế tắc này? Chắc chắn người nông dân không đủ sức làm ra sản phẩm rồi tự mang đi chào hàng. Phía doanh nghiệp thì sợ chào xong rồi không có hàng để giao. Do vậy mà họ cứ đi thu gom rồi bán lại mà không có trong tay vùng nguyên liệu và cũng không có sự tiếp sức cho nông dân”.

Trình độ đang ở mức thấp

GS-TS Trần Đình Long - ảnh: Ngọc Thắng

Chọn tạo giống mới và nhân giống cây ăn quả, các loại rau, hoa của mình vẫn đang đứng ở vị trí thấp so với khu vực và thế giới. Từ năm 1977 đến năm 2004 chúng ta chỉ chọn tạo được 144 giống và cây đầu dòng trong đó có 22 giống cà chua, 35 giống rau các loại, 9 giống hoa, 6 giống nhãn, 4 giống vải, 7 giống cam, 5 giống xoài, 3 giống chôm chôm, 8 giống dưa hấu và 12 giống cây ăn quả khác như sầu riêng, măng cụt, khế, mận, táo, ổi, dứa... nhưng chất lượng và năng suất cũng chưa phải là xuất sắc lắm. Trong khi đó, hiện nước ta đang phải nhập tới 85% giống trái cây và hoa.

Giống là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng, có ảnh hưởng lớn đến khâu tiêu thụ, nhất là đối với xuất khẩu. Những cây ăn quả như xoài, các loại hoa... hầu như không chiếm được thị trường thế giới, một phần cũng bởi nền công nghiệp giống của mình còn thấp. Cần thẳng thắn thừa nhận chúng ta đang thiếu những cán bộ chọn tạo giống xuất sắc và cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp này còn rất hạn chế. Chúng ta chưa có cơ chế để đảm bảo cho cán bộ nghiên cứu giống có thể kiếm đủ tiền đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống chứ chưa nói đến làm giàu bằng chính công việc mình đang làm nên không thể thu hút nhân tài vào lĩnh vực này.

Thêm vào đó, chọn tạo và nhân giống ở nước ta mới chỉ ở mức manh mún, phân tán. Ở các nước, để tạo ra một giống mới, rất nhiều đơn vị cùng bắt tay nghiên cứu, mỗi đơn vị đảm nhận một phần việc. Trong khi ở VN, các viện và trung tâm nghiên cứu còn chồng lấn, nhiều người cùng tạo một giống nhưng người nào cũng “ôm” tất cả các khâu và thường thì ít chia sẻ thông tin với nhau.

Hơn nữa, chọn tạo được giống mới mới chỉ là phần đầu mà phần tiếp theo là rất quan trọng là khâu sản xuất, kiểm định và kinh doanh hạt giống và cây giống.

GS-TS Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN


Nguồn: www.thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường