Để phòng trừ rệp sáp,người dân đã phun thuốc trừ rệp với nhiều loại thuốc hoá học có độ độc và nồng độ cao nhưng hiệu quả vẫn thấp. Vì khi cây cà phê héo hoa, các chùm hoa héo che khuất toàn bộ rệp bên trong, thuốc khó ngấm qua chùm hoa khô để tiếp xúc tới cơ thể rệp, cũng như khả năng hấp thụ thuốc của cây. Để giải quyết tồn tại đó, Viện BVTV đã tiến hành phun nước với áp suất cao (3 at1) rửa trôi các chùm hoa héo và đã đạt hiệu quả rửa trôi rệp là 41,95,55,52 và 58,37%sau khi phun nước 1, 3, 7 ngày. Nếu phun nước áp suất cao loại bỏ chùm hoa khô,sau đó phun thuốc hoá học Supracide 40EC 0,2% thì hiệu quả trừ rệp rất cao, đạt 69,97, 83,33, và 97,18% sau 1, 3, 7 ngày, cao hơn rất nhiều (17-18%) so với phương pháp của nông dân thường xử lý hiện nay. Qua nghiên cứu những loại hoá chất trừ rệp, đã cho thấy tất cả các loại thuốc đều có khả năng trừ rệp nhưng hiệu lực cao nhất vẫn là Supracide 40 EC sau 3 ngày trừ rệp 61,36% và sau 7 ngày là 80,58%; thấp nhất là dầu khoáng đơn lẻ sau 7 ngày đạt 37,67%, sau 14 ngày chỉ còn 29,54%.
Để phòng trừ ve sầu, qua một số thí nghiệm của Viện BVTV cho biết, tất cả các thuốc BVTV đều tỏ ra kém hiệu quả đối với ve sầu, nhưng những biện pháp phòng trừ thủ công bằng che phủ nylon và dùng nước vôi lại tỏ ra có hiệu quả trong phòng trừ ve sầu trưởng thành khi chúng chui từ dưới đất lên lột xác và ấu trùng ve sầu trong đất. Khi che phủ nylon, mỗi gốc cà phê trung bình có từ trên 20 ve sầu trưởng thành chui từ dưới đất lên bị vướng nylon và chết. Ngoài ra việc che phủ nylon còn ngăn chặn sự xâm nhập trở lại của ve sầu non khi trứng ve sầu từ trên cây rơi xuống đất.
Khi xử lý bằng dung dịch vôi bột ở nồng độ 2% đổ vào gốc cà phê trong giai đoạn tháng 7-8 dương lịch cho kết quả, có khoảng 16,67% số ấu trùng ve sầu ngoi lên khỏi mặt đất sau 5-10 phút. Vì vậy, nông dân có thể tưới dung dịch vôi vào 10 gốc cà phê liên tiếp, sau đó quay lại thu bắt loại côn trùng này làm thức ăn nuôi gà; hoặc thả gà, vịt ra vườn cà phê để bắt ấu trung ve sầu sau khi tưới dung dịch vôi, cũng là biện pháp phòng trừ có hiệu quả.
Viện BVTV đã sử dụng phương pháp thu gom lấy mẫu ngẫu nhiên trên nhiều vườn, cây và nhiều cành của một số vườn cà phê ở Tây Nguyên, Viện BVTV đã thu thập được 7 loại rệp sáp hại cà phê, thuộc 3 họ chính là họ rệp sáp giả Pseudococcidae (4 loài), họ rệp sáp mềm Coccidae (2 loài) và họ rệp vảy Disapididae (1 loài). Trong số 7 loài rệp sáp, có 2 loài luôn xuất hiện với tần suất cao và gây ảnh hưởng lớn đến cà phê tại Đăk Lăk là loại rệp sáp mềm tua ngắn Planococcus kraunhiae Kuwana và loại rệp sáp tua dài Ferrisia virgata Cockerell. Những loại rệp sáp này hại cành, lá, hoa và quả cà phê. Loại rệp sáp gây hại bộ rễ cà phê là Planococcus lilacinus Cockerell và Planococcus sp.
Về thành phần loài ve sầu, Viện BVTV cũng đã thu thập được 6 loài hại cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó loài Dundubia nagarasingna Distant chiếm tỷ lệ cao nhất tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Lâm Đồng.