Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo cuối năm 2009 sẽ giảm?
30 | 07 | 2009
Sau một thời gian trầm lắng thị trường gạo Việt Nam đã có sự khởi sắc với những hoạt động mua bán sôi động trên thị trường phục vụ cho công tác xuất khẩu gạo. Nhưng đây mới chỉ những hoạt động bề nổi của thị trường lúa gạo Việt Nam.
 

Giá gạo trên thị trường biến động như thế nào, những tác nhân nào sẽ ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu gạo của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để đối phó với khó khăn và sự biến động của thị trường. Nửa cuối năm 2009, thị trường lúa gạo Việt Nam sẽ phát triển ra sao.Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Ths Nguyễn Trang Nhung- chuyên gia phân tích thuộc AGROINFO- tác giả của báo cáo ngành hàng lúa gạo quý 2 năm 2009.

-Xin bà cho biết những nét chính của thị trường lúa gạo Việt Nam trong quý 2 năm 2009 có điểm gì nổi bật ?

Cung sản xuất lúa gạo của Việt Nam tăng trong 6 tháng đầu năm 2009 do thu hoạch lúa đông xuân 2009 được mùa, tăng 0,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2008. Vụ hè thu và thu đông dự kiến sản lượng lúa cũng đạt cao.

Thị trường gạo trong nước “sôi động” trong quý I/09 do xuất khẩu thuận lợi , tuy nhiên, thị trường gạo đã giảm mạnh trong quý II/09 do lúc này nguồn cung lúa gạo trong nước tăng mạnh từ thu hoạch lúa đông xuân, lượng gạo tồn kho lớn và hoạt động xuất khẩu “ảm đạm”. Cuối tháng 6/09 cho đến nay, thị trường gạo trong nước mới trong xu hướng tăng trở lại sau khi chính phủ ban hành chính sách “mở” chỉ tiêu xuất khẩu gạo đến hết năm 2009. 6 tháng đầu năm 2009, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,6 triệu tấn, với kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 45,6% về lượng nhưng chỉ tăng gần 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Philippines vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam, chiếm gần 44% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng từ đầu năm 2009 và chạm đỉnh vào tháng 3/2009, giảm mạnh trong quý II/09 và chỉ tăng nhẹ trở lại từ cuối tháng 6/09.

-Chúng ta đang rất vui mừng với con số 6 triệu tấn gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong năm 2009 nhưng hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại luôn thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Vây đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và từ trước tới nay thì giá gạo của họ luôn cao hơn là do chất lượng gạo của Thái Lan tốt hơn cũng như công tác bảo quản, làm thương mại tốt hơn chúng ta. Còn trong tình hình hiện nay giá gạo của Thái Lan vẫn cao hơn chúng ta do một số nguyên nhân như sau

Ngay từ tháng 1/2009, giá gạo xuất khẩu của nước này đã tăng từ 3-5% so với cuối năm 2008, do các nhà xuất khẩu đã đẩy mạnh việc thu mua gạo để thực hiện những hợp đồng xuất khẩu gạo trắng đã ký với Nhật Bản, Trung Đông, Châu Phi. Tại tháng 1/09 này, giá gạo 100%B Thái Lan ở mức 559 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng 12/08 (537 USD/tấn).

Trong tháng 2 và tháng 3/09, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan vẫn trong xu hướng tăng do tiếp tục được hỗ trợ từ nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng cao của Thái Lan và tác động từ thông tin Việt Nam tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Hơn nữa, giá gạo Thái Lan vẫn tiếp tục được giữ vững ở mức cao là do chính phủ nước này liên tục có những chương trình thu mua hôz trợ nông dân. Đến tháng 3/09, giá gạo xuất khẩu 100%B Thái Lan đã đạt mức 596 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 2/09 và tăng 6,6% so với tháng 1/09 nhưng bắt đầu giảm ở thời điểm tháng 4,5/09 với nguyên nhân chủ yếu là do: Suy thoái kinh tế và cầu nhập khẩu gạo từ Thái Lan thấp. Đơn cử Trung Quốc (một khách hàng quan trọng trong khu vực Châu Á), trong 5 tháng đầu năm 2009, đã giảm mạnh (giảm 73%) nhu cầu nhập khẩu gạo từ Thái Lan so với cùng kỳ năm 2008.

Trong khoảng thời gian này, hầu hết các hợp đồng xuất khẩu của Thái Lan là các hợp đồng xuất khẩu gạo với khối lượng nhỏ cho thị trường Châu Phi. Các nhà nhập khẩu gạo từ Thái Lan còn lo ngại về tình hình chính trị bất ổn, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ liên tiếp xảy ra tại nước này.

-Được biết trong báo cáo lúa gạo quý 2 năm 2009 bà có đưa ra một số dự báo cho thị trường gạo trong nước từ nay đến hết năm 2009. Vậy những dự báo đó là gì và dựa trên cơ sở nào?

Cung, cầu gạo thế giới 2009 đều ở mức tăng so với năm 2008. Tuy nhiên, sản lượng gạo thế giới tăng mạnh hơn nhu cầu nhập khẩu. Dự trữ gạo thế giới năm 2009 sẽ tăng mạnh, tăng 5,6% so với năm 2008. Trong đó, lượng gạo dự trữ đặc biệt tăng mạnh tại Thái Lan và Ấn Độ.
Dựa trên cân đối cung, cầu, cùng với áp lực dự trữ cao tại Ấn Độ và Thái Lan thì có thể nhận định, giá gạo thế giới những tháng cuối năm 2009 sẽ trong chiều hướng suy giảm.

AGROINFO dự báo, gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan nửa cuối năm 2009 sẽ giảm 10,2% so với 6 tháng đầu năm 2009 và giảm 22,6% so với 6 tháng cuối năm 2008. Tương tự, gạo 25% tấm xuất khẩu Thái Lan nửa cuối năm 2009 cũng được dự báo sẽ giảm 7,2% so với 6 tháng đầu năm 2009 và giảm 24,7% so với 6 tháng cuối năm 2008. Tuy nhiên, trong kịch bản thị trường thế giới tăng cung đột ngột, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, xuất khẩu không những 6 triệu tấn gặp trở ngại mà cả lượng xuất khẩu theo đăng ký cũng có thể không được như dự kiến.

AGROINFO dự báo, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối năm 2009 sẽ giảm 1,86% so với 6 tháng đầu năm 2009. Gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam sẽ có mức giảm mạnh hơn, giảm 7,8% so với 6 tháng đầu năm 2009. Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2008 thì giá gạo xuất khẩu dự kiến của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2009 vẫn ở mức thấp hơn từ 20-25% so với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2008.

Thị trường truyền thống như Philippines, Cuba, Malaysia vẫn là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường đang được quan tâm và chú ý là khu vực châu Phi.

Thuỳ Linh/AGROINFO



Báo cáo phân tích thị trường