|
Nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp hiện rất lớn, nhưng rất ít nông dân tiếp cận được vốn ưu đãi để mua. Trong ảnh: nông dân thu hoạch lúa tại Tam Bình, Vĩnh Long - Ảnh: V.TR. |
Để vực dậy nền kinh tế, thời gian qua Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau: kích cầu đầu tư - tiêu dùng với 17.000 tỉ đồng để bù 4% lãi suất cho vay vốn lưu động sản xuất-kinh doanh, gói hỗ trợ nông nghiệp nông thôn: cho nông dân vay lãi suất 0% mua máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ 4% lãi suất với các khoản vay mua vật tư sản xuất …
Nên sơ kết kích cầu
Nông dân vẫn chưa hết khó Ông Cao Sỹ Kiêm, ủy viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng khu vực nông thôn chịu nhiều sức ép, sản xuất thua lỗ vì biến động giá, lao động đi làm ăn xa thất nghiệp trở về... nhưng đến nay chưa nhận được hỗ trợ tương xứng. Gói kích cầu đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt khó, nay nên dành ưu đãi cho khu vực nông thôn. Chính phủ cũng nên đẩy nhanh việc triển khai gói đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn để phát triển khu vực này, đồng thời giúp nông dân có thêm việc làm. |
Gói kích cầu bù lãi suất đã sử dụng được khoảng 80%. Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại giải ngân nhiều nhất rơi vào gói kích cầu đầu tư - tiêu dùng, đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện 66% lượng vốn bù 4% lãi suất giải ngân vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh (công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân…). Trong khi đó hộ sản xuất - vốn giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động trong xã hội - chỉ chiếm 18,5% tổng số vốn được hỗ trợ.
Còn gói hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn triển khai rất chậm, thậm chí nhiều nơi nông dân không thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi vì thủ tục, quy định quá chặt.
Bà Phạm Chi Lan, viện phó Viện Nghiên cứu phát triển (IDS), cho rằng qua những số liệu thống kê sơ bộ cho thấy phần lớn vốn chảy vào sản xuất nhưng số liệu thống kê còn rất chung chung: 66% vốn ưu đãi vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng là công ty nào, nhóm ngành nào, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm bao nhiêu phần trăm thì không có số liệu cụ thể.
Theo thống kê, tốc độ sản xuất sáu tháng đầu năm 2009 tăng chậm, xuất khẩu chỉ đạt 27,7 tỉ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2008. Theo bà Lan, Ngân hàng Nhà nước nên có thống kê sơ bộ để xem thời gian qua vốn bù lãi suất đã đến những địa chỉ nào và có đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó cân nhắc đối tượng nào thời gian qua đã được thụ hưởng quá nhiều thì phần còn lại của gói kích cầu bù lãi suất (20% tương đương với số vốn vay khoảng 100.000 tỉ đồng) nên dành ưu đãi lại cho đối tượng khác, cụ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, nông thôn…
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kích cầu thời gian tới nên đi kèm điều kiện. Thời gian qua doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn bù lãi suất, nhưng khi thu ngoại tệ về lại găm giữ hoặc tìm cách bán cho doanh nghiệp nhập khẩu với giá cao hơn tỉ giá niêm yết thay vì bán cho ngân hàng, gây méo mó thị trường ngoại tệ. Do đó ông Ngân đề xuất khi bù 4% lãi suất cho doanh nghiệp, ngân hàng nên ràng buộc về việc bán USD, nếu doanh nghiệp còn USD thì không bù lãi suất.
Tập trung cho nông thôn, doanh nghiệp nhỏ
Ông Võ Trí Thành, viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết qua chuyến thực tế các tỉnh ĐBSCL cho thấy nông dân còn xa lạ với vay vốn ưu đãi: không tiếp cận được thông tin, hoặc biết thông tin nhưng không thể vay được vì thủ tục quá phức tạp, trong khi trình độ của nông dân còn hạn chế.
Ngân hàng chỉ hỗ trợ với máy móc sản xuất trong nước trong khi hầu hết máy móc là hàng nhập... Ông Thành cho rằng nên có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho nông dân vì đây là thị trường góp phần tạo ra sức mua lớn. Để khai thông thị trường này, chính sách hỗ trợ nên thoáng hơn, thủ tục nên lùi một bước, đồng thời nên tăng cường hỗ trợ trực tiếp, chẳng hạn giúp họ hoàn thiện phương án vay, hồ sơ vay…
Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là đối tượng quan trọng cần được hỗ trợ giai đoạn hậu kích cầu. Bà Phạm Chi Lan cho rằng đợt khủng hoảng vừa qua là cơ hội để sàng lọc, những doanh nghiệp còn trụ vững đến thời điểm hiện nay và sản xuất kinh doanh hiệu quả thì Chính phủ nên dồn sức cho những doanh nghiệp này.
Trong trường hợp Chính phủ có những bước hỗ trợ tiếp theo thì nên cơ cấu lại theo hướng thu hẹp đối tượng, những doanh nghiệp đã vững mạnh thì nên để họ tự lực, doanh nghiệp hoặc ngành nào hiệu quả thì nên hỗ trợ. Bước cơ cấu này, theo bà Lan, phải thật thận trọng, nghiên cứu cặn kẽ và hoạch định trên thực tế nhu cầu thị trường. Dù gói kích cầu bù lãi suất ngắn hạn còn lại rất ít nhưng cũng phải làm thật cương quyết, đúng đối tượng.
ÁNH HỒNG
(Theo Tuổi Trẻ)