Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vĩnh Long: trái cây trên đường hội nhập
12 | 08 | 2007
Vĩnh Long là tỉnh có lợi thế và điều kiện tự nhiên rất thích hợp phát triển cây ăn trái (CAT) vùng nhiệt đới với nhiều loại ngon có tiếng như bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, quýt, chôm chôm, nhãn, măng cụt, xoài cát… Hiện Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long đang gấp rút thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân để nâng cao tính cạnh tranh, tạo cơ hội để trái cây Vĩnh Long vươn xa trên thị trường quốc tế.

* Lợi thế và thách thức

Mấy năm gần đây, Vĩnh Long chủ trương chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái nên hiện nay diện tích vườn của tỉnh là 43.152,5 ha. Trong đó có 6409,1 ha dừa, còn lại 36.743,4 ha là CAT các loại. Trong số các loại cây ăn trái, nhiều nhất là cây nhãn với 10.373,9 ha, cam sành 7483,1 ha, bưởi 6.575,2ha, xoài các loại trên 4074 ha, sầu riêng gần 1640 ha, còn lại là các loại cây khác như boòng boong, măng cụt, vú sữa, chôm chôm… Năm 2006, sản lượng trái cây của Vĩnh Long ước đạt 360.000 tấn, tăng trên 60.000 tấn so với năm 2005. Vĩnh Long đã xuất khẩu được nhãn, bưởi Năm Roi sang Trung Quốc và các nước châu Âu nhưng số lượng chưa nhiều và thị trường chưa được mở rộng. Hiện Vĩnh Long đã tham gia vào Chương trình sản xuất trái cây an toàn khu vực sông Tiền.

Trái cây Vĩnh Long tuy đa dạng, phong phú về chủng loại, diện tích, sản lượng tăng đều qua nhiều năm nhưng bước vào hội nhập với kinh tế quốc tế, trái cây Vĩnh Long đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều chủng loại trái cây ngoại nhập từ Mỹ, Thái Lan… hiện đang tràn ngập thị trường trong tỉnh. Trong khi, khả năng cạnh tranh của trái cây Vĩnh Long còn nhiều hạn chế, cả về chất lượng, hương vị, độ đồng đều và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, số lượng trái cây có thương hiệu mạnh có nhưng còn ít. Nguyên nhân chính là sản xuất trái cây ở Vĩnh Long còn manh mún, phân tán theo quy mô hộ gia đình, một số vùng chuyên canh đã hình thành nhưng chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định, chưa tổ chức sản xuất kết hợp chặt với tiêu thụ. Hiện các loại cây ăn trái của Vĩnh Long thiếu sự liên kết có hệ thống từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu. Công nghệ sau thu hoạch ở tỉnh chưa theo kịp tốc độ phát triển của khu vực. Cả tỉnh chưa có kho lạnh để bảo quản trái cây sau thu hái. Các nhà vườn, doanh nghiệp tự tìm khách hàng, thiếu sự hỗ trợ, liên kết nên ít có được hợp đồng lớn. Công tác giống chưa được đa số các nhà vườn quan tâm đúng mức... Vì vậy, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất cây giống trong tỉnh được ngành nông nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưới để sản xuất cây giống sạch bệnh đang lâm vào tình trạng không tiêu thụ được sản phẩm. Thậm chí có một số cơ sở ở Trà Ôn, Tam Bình đã phải giao trả lại nhà lưới cho ngành chủ quản. Vĩnh Long lại đang phải đối mặt với bệnh vàng lá trên cây có múi, chủ yếu là trên cây cam sành. Hai địa phương có diện tích cam sành nhiều nhất tỉnh là Tam Bình và Trà Ôn đều có tỷ lệ cây cam bị nhiễm bệnh trên 60%, thậm chí có xã, tỷ lệ cam sành bị nhiễm bệnh gần 90%. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều nghiên cứu khoa học của các viện, trường, các nhà khoa học nhưng cho đến giờ này, các biện pháp trồng xen, chắn gió ngăn rầy, chủng nấm… mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo các nhà vườn thử nghiệm. Trong khi, theo lộ trình hội nhập AFTA, và trong sân chơi WTO, mặt hàng trái cây sẽ được mở cửa.

* Những giải pháp đột phá mạnh:

Để chủ động trong sân chơi hội nhập kinh tế quốc tế, Vĩnh Long đang phải có những giải pháp đột phá: trước hết, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức của nông dân, doanh nghiệp, cập nhật thường xuyên các thông tin về các hàng rào kỹ thuật, thuế quan, chất lượng, vệ sinh an toàn nông sản; nâng cao cơ sở vật chất, đầu tư thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái; các tác động của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, giống, bảo quản sau thu hoạch, vệ sinh an toàn nông sản… để nâng cao trình độ sản xuất CAT.

Bên cạnh đó, địa phương phải có những cán bộ nắm vững các luật về thương mại của các nước, có các tổ chức, cá nhân có khả năng liên kết các doanh nghiệp, nông dân. Tỉnh cần đầu tư mạnh cho việc xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn, các biện pháp nâng cao chất lượng bảo quản, sơ chế sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu mạnh, mở rộng tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho các nhà vườn. Trên cơ sở 6 vùng quy hoạch thích nghi, Vĩnh Long cần phải triển khai nhanh việc phát triển vùng sản xuất CAT tập trung với quy mô lớn, sản xuất an toàn gắn với phát triển hệ thống phân phối mang tính chất tập trung. Đặc biệt là phải khởi động nhanh đề án xây dựng chợ đầu mối trái cây xã Tân Hội, thị xã Vĩnh Long và chợ đầu mối nông sản thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh vì dự án này thực hiện rất chậm, chỉ mới dừng ở giai đoạn lập dự án kêu gọi đầu tư ./.

(Nguon tin: TTXVN)



Báo cáo phân tích thị trường