Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lối ra cho cây thạch đen Tràng Định
06 | 08 | 2009
Nhận thấy giá trị kinh tế to lớn của cây thạch đen, Nghị quyết của huyện đảng bộ Tràng Định (Lạng Sơn) khóa này chủ trương đưa loại cây bản địa này vào cơ cấu cây trồng nhằm tăng thêm thu nhập cho nhân dân và ngân sách địa phương.

Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tràng Định, trong 5 năm trở lại đây diện tích và sản lượng thạch đen của toàn huyện không ngừng tăng lên. Hầu như tất cả 23 xã trong huyện đều trồng thạch đen, đưa diện tích lên con số 2.000 ha và sản lượng ước tính trên 130 ngàn tấn mỗi năm. Nhờ trồng thạch đen mà nhiều hộ gia đình trong huyện đã có thêm thu nhập để cải thiện đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, một số hộ đã trở nên giàu có với mức thu từ 150 triệu đồng/năm trở lên. Hiện nay thạch đen đã thực sự trở thành cây mũi nhọn, cây thế mạnh, cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho bà con nông dân Tràng Định.

Trao đổi với chúng tôi, KS. Lý Văn Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT Tràng Định cho biết: Đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, ít gặp rủi ro, ít khi mất mùa, dễ thu hoạch, bảo quản đơn giản bằng cách phơi khô để được lâu không sợ hỏng, đầu tư chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế đưa lại rất cao. Năm được mùa, được giá, 1 kg thạch đen phơi khô bán cho thương lái chở đi Trung Quốc tiêu thụ có thể lên tới 23.000 đồng, năm rớt giá cũng bán được 10.000 đồng/kg, vẫn hiệu quả hơn so nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, do đầu ra và giá cả không ổn định, việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch; phần lớn nông dân trồng theo lối tự phát, thiếu qui hoạch, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng nên sản phẩm làm ra chưa có sức cạnh tranh, nhiều năm dư ế không tiêu thụ được gây thiệt hại khá lớn.

Với mục tiêu biến cây thạch đen thành sản phẩm hàng hóa có sản lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng trước mắt, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản xuất lâu dài ngành nông nghiệp Tràng Định đã đưa ra một số giải pháp tích cực sau:

- Các địa phương vận động bà con nông dân mở rộng diện tích trên cơ sở chuyển đổi bớt một số loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng thạch đen.

- Gieo trồng đúng theo khung thời vụ, tích cực chăm sóc, thu hoạch đúng độ tuổi, không thu hoạch non, phơi khô đủ nắng, bảo quản nơi khô ráo nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.

- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh và Viện Sinh thái và tài nguyên thực vật khẩn trương hoàn thiện và ban hành qui trình hướng dẫn trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản thạch đen dựa trên kết quả đề tài “Nghiên cứu, xác định qui mô sản xuất và sản xuất thử nghiệm sản phẩm thương mại từ cây thạch đen của tỉnh Lạng Sơn” vừa được thực hiện tại địa phương làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển loại cây này theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung tại Tràng Định.

- UBND huyện Tràng Định cũng đang tích cực tiếp xúc, trao đổi với huyện Long Châu, Trung Quốc để bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn đầu ra cho sản phẩm thạch đen bằng các hợp đồng cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng ổn định cả về giá cả và sản lượng lâu dài cho nhà máy chế biến thạch đen đang được xây dựng tại huyện Long Châu. Được biết, khi đi vào sản xuất nhà máy chế biến thạch đen Long Châu sẽ cần sản lượng từ 8 đến 10 vạn tấn/năm sẽ là lối mở cho hướng đi của cây thạch đen Tràng Định nay mai.
 
(Theo NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường