Tổng vốn đầu tư khoảng 9,36 tỉ đồng trong đó vốn ngân sách tỉnh trên 1,8 tỉ đồng, vốn nhân dân trong vùng qui hoạch 2,79 tỉ đồng còn lại là các nguồn huy động khác.
Mục tiêu của việc mở rộng giai đoạn II dự án phát triển ca cao Tiền Giang nhằm xây dựng mô hình canh tác bền vững, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hộ nông nghiệp, phát triển đồng bộ "tam nông" theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy các vùng khó khăn đi lên. Vùng dự án mở rộng thuộc các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy, Tân Phú Đông có lợi thế ở những vườn trồng cây ăn quả chất lượng cao tập trung lớn, nông dân nhạy bén tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật thâm canh mới, điều kiện địa hình, thổ nhưỡng phù hợp để cây ca cao phát triển mạnh cho hiệu quả kinh tế cao. Tại đây, nhà vườn chủ yếu trồng ca cao xen dưới tán dừa và nhãn.
Trước mắt, theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Hạnh, Ban quản lý dự án ca cao tỉnh Tiền Giang kết hợp với các địa phương hưởng lợi tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia dự án, tập trung chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ cây con giống cho các hộ nông dân trong vùng qui hoạch, xúc tiến thành lập các câu lạc bộ trồng và tiêu thụ ca cao. Trung bình mỗi hộ được hỗ trợ 50% về vốn mua cây giống (150 cây ca cao giống với diện tích bình quân khoảng 2.500 m2 đất trồng trọt/ hộ). Ngoài ra, còn quan tâm đến các công tác khác như: tập huấn, hội thảo, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, xây dựng các điểm trình diễn...
Dự án “Phát triển ca cao Tiền Giang” do nhiều cơ quan như: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển nông nghiệp Hoa Kỳ, Quỹ Ca cao thế giới...tài trợ. Trong giai đoạn I của dự án, toàn tỉnh đã trồng được 1.300 ha ca cao xen trong vườn dừa, vượt 300 ha so với mục tiêu đề ra ban đầu. Trong số trên có 300 ha đang cho thu hoạch ổn định với thu nhập từ nguồn lợi ca cao + dừa đạt 60 triệu đồng/ ha, gấp đôi so với khi còn độc canh cây dừa.
(Theo NNVN)