Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xác nhận lại thông tin chỉ có 10% hộ gia đình sử dụng thực phẩm tươi sống được kiểm dịch
10 | 08 | 2009
Thị trường thịt và thực phẩm đang có nhiều biến động với hàng loạt thông tin các vụ việc liên quan đến nhập khẩu thực phẩm bẩn như sữa, thịt đông lạnh, nội tạng động vật. Gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng thông tin chỉ 10% hộ gia đình ở TP.HCM và Hà Nội sử dụng thực phẩm tươi sống được kiểm dịch, 90% hộ dùng thực phẩm tươi sống không kiểm dịch và trích nguồn thông tin từ AGROINFO. Những thông tin này đã gây ra một số hiệu ứng khác nhau trên thị trường thịt và thực phẩm tuần qua. Nhằm xác thực lại những thông tin trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Văn Hanh- chuyên gia phân tích ngành hàng của AGROINFO về vấn đề mà báo chí đã nêu

Trên một tờ báo gần đây có đưa ra thông tin chỉ 10% hộ gia đình ở TP.HCM và Hà Nội sử dụng thực phẩm tươi sống được kiểm dịch, 90% hộ dùng thực phẩm tươi sống không kiểm dịch và trích nguồn thông tin từ AGROINFO. Đây cũng chính là những thông tin trong một báo cáo điều tra mà ông đã thực hiện, xin hỏi tính xác thực của thông tin này như thế nào?

Năm 2008, AGROINFO đã thực hiện Báo cáo điều tra tiêu dùng thịt và thực phẩm qua phương pháp chọn mẫu tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kết quả khảo sát với hơn 500 hộ gia đình cho thấy, lượng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ chiếm từ 15 – 20% trong cơ cấu bữa ăn của hộ. Trong số đó chủ yếu là các loại thực phẩm chế biến.

Số liệu khảo sát cũng cho thấy, có đến 80% các hộ được hỏi chọn mua thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống. Các loại rau, củ quả và thực phẩm thường được người tiêu dùng lựa chọn dựa vào cảm quan, do vậy bản thân họ cũng không đánh giá chính xác được tính an toàn của sản phẩm. Do vậy, tỷ lệ số hộ sử dụng thực phẩm tươi sống được kiểm dịch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất thấp, chỉ khoảng 10% số hộ được hỏi. Các loại thực phẩm này chủ yếu là thịt lợn, thịt bò và gia cầm và các loại rau sạch được bày bán trong các siêu thị. Báo SGTT số ra ngày 5/8/2009 cho đăng tải kết quả nghiên cứu trên của AGROINFO với 90% hộ tiêu dùng thực phẩm tươi sống không kiểm dịch là không chính xác. Chúng tôi đã trao đổi lại và yêu cầu SGTT đính chính lại thông tin này.

Là người đã có nghiên cứu về tiêu dùng mặt hàng thịt và thực phẩm, xin ông cho biết ý kiến của cá nhân ông về vấn đề thịt “bẩn” hiện đang gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng ?

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt các vụ việc liên quan đến nhập khẩu thực phẩm bẩn như sữa, thịt đông lạnh, nội tạng động vật nhập khẩu… Các lỗi hành vi gian lận phổ biến thường là không chứng minh được rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ghi sai nhãn mác, dán nhãn mới để thay đổi hạn sử dụng cho các sản phẩm đã quá hạn. Rõ ràng, vấn đề VSATTP hiện nay đang bị các doanh nghiệp coi thường. Vinafood là một ví dụ điển hình khi hàng trăm tấn thịt nhập khẩu của họ bị các cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để xác minh làm rõ…vẫn được tẩu tán. Hành vi đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.

Các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn gần đây đặt ra hàng loạt các vấn đề liên quan đến đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh, vai trò của hội bảo vệ người tiêu dùng và bản thân người tiêu dùng. Sau hàng loạt các vụ việc gian lận liên quan đến xăng, sữa, và giờ là thực phẩm, đã đến lúc cần có chế tài đủ mạnh, thậm chí có thể đề nghị khởi tố các hành vi gian lận này nếu có đủ bằng chứng. Đây là trách nhiệm của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi chờ đợi được bảo vệ, người tiêu dùng lại đành phải cố gắng trở thành người tiêu dùng thông thái trong bối cảnh đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp đang xuống thấp như hiện nay.

Chuyên gia phân tích ngành hàng Phạm Văn Hanh
Theo ông , yếu tố nào quyết định sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng? Ông đánh giá như thế nào về những tác động của vấn đề thịt bẩn đến xu hướng tiêu dùng thực phẩm trong thời gian tới?

Trường hợp của Vinafood (thực phẩm), AC Food (sữa) và hàng loạt các vụ việc khác liên quan khiến cho người tiêu dùng sẽ cẩn trọng và khắt khe hơn trong việc chọn mua thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Có 3 yếu tố quan trọng nhất làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Ba yếu tố đó là khả năng về tài chính; thói quen, thị hiếu tiêu dùng và sự nghiêm trọng của vấn đề VSATTP. Khả năng về thu nhập cho phép người tiêu dùng có cơ hội thay đổi loại thực phẩm theo 2 hướng: thứ nhất là vẫn sử dụng loại thực phẩm thường dùng (bị ảnh hưởng bởi thói quen) nhưng chọn loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của nhà cung cấp có uy tín; thứ 2 là chuyển sang một loại thực phẩm khác thay thế.

Thông tin thịt bẩn ít nhiều tác động đến tâm lý người tiêu dùng, sức cầu thực phẩm trong nước tăng đáng kể kéo theo giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong nước tăng lên. Tuy vậy, các chuyên gia của AGROINFO dự báo, giá thực phẩm trong nước cũng sẽ không tăng mạnh do ngành chăn nuôi trong quý 2 có mức tăng trưởng ổn định và sức cầu cũng chưa đủ mạnh nên việc người dân quay lại mua thịt trong nước chưa đủ để kéo giá tăng lên.

Xin cảm ơn ông



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường