Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệp hội ra tay ngăn gạo rớt giá
11 | 08 | 2009
Hội đồng Quản trị Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã quyết định phân cho các thành viên Hội đồng Quản trị Hiệp hội và một số công ty thành viên Hiệp hội thu mua ngay lúa gạo của nông dân trong vụ hè thu này.

 
Đến cuối tháng 7/2009, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,108 triệu tấn, cho giá trị FOB đạt 1,684 tỷ USD. 
  
 
 

Đây là quyết định với sự nhất trí của tập thể Hội đồng Quản trị Hiệp hội nhằm xử lý tình hình giá lúa gạo trong nước đang có xu hướng giảm trong lúc chờ Hiệp hội báo cáo các bộ trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá lúa gạo trong nước có xu hướng giảm đối với loại có phẩm cấp thấp. Đồng thời Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thời điểm thu họach rộ vụ hè thu, nhưng do mưa nhiều kết hợp lũ lên nhanh nên nhiều ngày liền lúa gạo không xử lý được độ ẩm.

Vì vậy, lúa bị ẩm ướt, trong khi hệ thống sấy hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu sấy. Và khi sấy lại sấy ở nhiệt độ cao nên đưa vào xay xát, gạo bị gãy nhiều không xuất khẩu được.

Với quyết định từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, số lượng lúa gạo vụ hè thu quy gạo sẽ được thu mua trong đợt 1 là 400 ngàn tấn trong tổng số lượng cần bán trong vụ hè thu là 2 triệu tấn. Hiệp hội quy định giá thu mua tại địa phương phải đảm bảo không dưới 3.800 đồng/kg lúa.

Đây là giá mà các cơ quan chức năng đã tính toán đủ để cho người sản xuất có lợi nhuận tối thiểu 30%. Việc thu mua đợt 1 này sẽ hoàn thành trong tháng 8/2009. Sau đó, nếu tình hình xuất khẩu vẫn chưa cải thiện thì sẽ triển khai mua tiếp đợt 2.

Theo Hiệp hội, việc thu mua này được thông báo rộng rãi và công khai tại các điểm thu mua cũng như trên các phương tiện truyền thông của địa phương để phổ biến cho nông dân sản xuất lúa biết. Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp được giao không mua đủ số lượng được giao hoặc mua dưới giá quy định.

Việc hạch toán mua, nhập kho cũng phải được thể hiện rõ ràng. Trên cơ sở lượng gạo đã mua vào, Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến khích các thành viên của Hiệp hội tranh thủ tìm thị trường để xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo giá sàn hướng dẫn của hiệp hội, tránh tình trạng tranh bán làm giảm giá một cách không cần thiết ảnh hưởng đến giá mua lúa, gạo của nông dân.

Nhận định về tình hình xuất khẩu, ông Trí cho biết, giá gạo Việt Nam hiện ở mức thấp nhất trên thị trường thế giới, trừ thị trường Myanmar. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao, trong khi áp lực bán ra của các nước xuất khẩu lớn là không nhiều.

Cụ thể, Ấn Độ sẽ bán ra 2 triệu tấn như đã thông báo nhưng đến nay hầu như không còn khả thi do năm nay mùa mưa đến chậm ảnh hưởng đến vụ sản xuất chính. Vì vậy, Ấn Độ chưa dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Còn Thái Lan vẫn chưa bán ra số lượng lớn gạo tồn kho như dự kiến nhưng đang bị sức ép bán ra.

Tuy nhiên, số gạo trắng bán ra đa số là gạo cao cấp và luôn giữ ở mức cao. Quan điểm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là cần thiết giữ giá xuất khẩu nhằm đảm bảo giá thu mua lúa với lợi nhuận cho nông dân tối thiểu 30% .

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2009, kết quả đăng ký hợp đồng đạt 5,394 triệu tấn. Số lượng hợp đồng còn lại giao từ tháng 8/2009 là 1,286 triệu tấn. Đến cuối tháng 7/2009, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,108 triệu tấn, cho giá trị FOB đạt 1,684 tỷ USD, tăng 52,02% về số lượng và tăng 8,54% về giá trị so với năm 2008. Giá xuất khẩu bình quân đạt 409,97 USD/tấn.

Đến cuối tháng 7/2009, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,108 triệu tấn, cho giá trị FOB đạt 1,684 tỷ USD.

Trong số hợp đồng đã ký, hợp đồng tập trung chiếm 51,6%, giảm 12,9% so với năm 2008 và hợp đồng thương mại chiếm 48,4% tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2008. Chủng loại xuất khẩu cụ thể như gạo cao cấp trên 1,6 triệu tấn, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước; gạo cấp trung bình đạt trên 788 ngàn tấn, tăng 34,6% so với cùng kỳ; gạo cấp thấp trên 1,3 triệu tấn tăng 20,6% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu như châu Á, châu Phi, Trung Đông đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, giá thu mua trong nước thời gian qua đảm bảo có lãi cho nhà nông từ 30-48% tùy loại. Chẳng hạn, tại Trà Vinh, giá bán tại đồng dao động từ 3.500-3.700 đồng/kg đối với giống lúa chất lượng trung bình, mức chênh lệch lợi nhuận từ 20-30% so với giá thành sản xuất.

Nhóm giống lúa chất lượng cao như OM 2395, VN 95-20, OM 4059... giá bán tại đồng là 3.700 - 3.900 đồng/kg, lợi nhuận từ 30-40% so với giá thành sản xuất. Nhóm giống lúa đặc sản gồm OM 6162, OM 4900... giá thành từ 3.800 - 4.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 40-48% so với giá thành sản xuất.

(Theo VnEconomy)



Báo cáo phân tích thị trường