Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người Việt dùng sữa "made in Vietnam"
25 | 08 | 2009
Khảo sát của các ngành chức năng cho thấy các loại sữa nội và ngoại có chất lượng tương đương nhau, nhưng giá sữa nội rẻ hơn 50%. Chính vì vậy, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyên các bậc cha mẹ "hãy chọn mua sữa Việt cho con".

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định "Chương trình phát triển bò sữa của ta cứ loay hoay không phát triển được là do đầu ra không ổn định. Doanh nghiệp than thở do không cạnh tranh nổi với sữa ngoại nên khó khăn trong việc giúp nhà nông mua sữa nguyên liệu. Với cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt", chắc chắn người nuôi bò sữa sẽ bớt lo hơn".

"Xịn" nhờ quảng cáo

Chỉ cần theo dõi các kênh truyền hình, người xem sẽ bị choáng bởi các quảng cáo, tự giới thiệu, tài trợ chương trình của các thương hiệu sữa. Chiếm những vị trí trang trọng, dễ nhận thấy trên các trang quảng cáo, trang bìa các báo, tạp chí… là tên tuổi những đại gia trong làng sữa ngoại như Abbot, Mead Johnson.

Số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, chỉ tính 5 tháng đầu năm 2009, các hãng sữa đã "mạnh tay" chi 152 tỷ đồng để quảng cáo sữa, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó đứng đầu là Dutch Lady (44 tỷ), Dumex (25 tỷ), Mead Johnson (25 tỷ).

Theo Nghị định 75/2008 của Chính phủ, sữa là mặt hàng trong danh mục ưu tiên thực hiện bình ổn giá. Bộ Tài chính trong thông tư hướng dẫn cũng quy định, nếu trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối đã dễ dàng lách qua quy định này bằng cách không để xảy ra tình trạng biến động giá liên tục trong vòng 15 ngày và tăng 20%.

"Nhà nước cần phải sớm sửa đổi quy định này", Tiến sĩ Đoàn Phương, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đề nghị. Có rất nhiều yếu tố quyết định đến giá thành của sản phẩm sữa như giá nguyên liệu, chi phí sản xuất, thuế… nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các hãng sữa ngoại đã tốn khoản kinh phí không nhỏ cho việc hình thành mạng lưới phân phối.

Qua mạng lưới này, các hãng đã không ngần ngại "đổ" kinh phí cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… nhằm lôi kéo khách hàng. Theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp chỉ được đầu tư cho quảng cáo là 10%/tổng doanh số, nhưng cá biệt có hãng quảng cáo đến trên 50%. Và vì thế, giá sữa cứ tăng phi mã, đẩy mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng đến chỗ bất cập.

Sữa Việt Nam cũng "xịn"

Tiến sĩ Đoàn Phương cho biết, “sản phẩm sữa trên thị trường đang tồn tại quá nhiều điều bất hợp lý về giá, về chất lượng gây bất bình cho doanh nghiệp, nhà quản lý và người tiêu dùng. Đây là cơ hội tốt để chúng ta trả giá sữa trở về đúng với giá trị thật của nó".

Khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, chất lượng nhiều loại sữa nội và ngoại là tương đương nhau, nhưng giá sữa nội dù rẻ hơn 50% nhưng vẫn phải chịu cảnh chợ chiều, nhường hơn 80% thị phần cho sữa ngoại, đặc biệt là sữa dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

Ông Phạm Văn Tân, Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho biết hiện sản lượng sữa trong nước chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu người tiêu dùng. Việc ưu tiên dùng sữa nội sẽ góp phần kích thích nền sản xuất, chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển, dẫn đến gia tăng sản lượng, giải quyết khó khăn đầu ra cho nhà nông, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trong một động thái tích cực khác, Vinastas đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội các nhà bán lẻ Việt Nam… cùng bắt tay quyết tâm đưa chủ trương cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng sữa Việt thành hiện thực.

Theo đó, Vinastas chỉ đạo tất cả các chi hội trong toàn quốc cùng vận động doanh nghiệp trong nước tham gia đưa sản phẩm về vùng sâu, vùng xa; phát hành những cẩm nang hướng dẫn thông tin cho người tiêu dùng hiểu hơn về mặt hàng sữa… Tiếp theo buổi phát động vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ là hàng loạt những cuộc phát động tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Nha Trang.

"Ngoài mục đích giúp người tiêu dùng tiếp cận gần hơn với hàng Việt Nam chất lượng cao, là cuộc đấu tranh với các doanh nghiệp kinh doanh sữa ngoại buộc họ phải nhìn lại giá cả của mình, từ đó tính toán lại chi phí một cách hợp lý để người tiêu dùng không bị thiệt thòi", ông Phương khẳng định.

(Tin Tức/Vietnam+) 



Báo cáo phân tích thị trường