Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Triển vọng ngành cao su
11 | 09 | 2009
Ngành cao su từ nhiều thập kỷ trở lại đây luôn giữ vai trò là một trong những ngành trọng yếu của nền kinh tế VN. Trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế với nhiều biến động, ngành cao su VN nói chung và các doanh nghiệp cao su nói riêng ít nhiều đã phải gánh chịu những tác động tiêu cực. Bước sang giai đoạn hậu khủng hoảng và phục hồi kinh tế, nhiều thách thức đang dần hiện ra trước mắt trong lộ trình phát triển của ngành cao su. Thiết nghĩ, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai, đã đến lúc cần nhìn nhận đánh giá thực trạng, vị thế và triển vọng của ngành cao su trong thời gian sắp tới.

Việt Nam hiện là nước có sản lượng cao su đứng vị trí thứ 5 trên thế giới sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ với 662.9 ngàn tấn mủ và đứng thứ 4 về năng suất khai thác mủ với 1.66 tấn/ha trong năm 2008. Theo chiến lược phát triển cây cao su do Chính phủ đề ra, đến năm 2020 diện tích cao su phải đạt 1,000,000 ha với sản lượng khai thác đạt 1,200 ngàn tấn mủ. Ở thời điểm hiện tại, ngành cao su được đánh giá là rất triển vọng trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi vốn có, ngành cao su Việt Nam vẫn còn đó những khó khăn nội tại cần được giải quyết.

Năng suất vẫn tăng nhưng quỹ đất đã đạt đến ngưỡng giới hạn

Theo những số liệu thống kê gần nhất được công bố, sản lượng và năng suất khai thác mủ cao su liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua. Năm 1980, năng suất đạt 703 kg/ha, với tổng sản lượng khai thác là 41,100 tấn. Tuy nhiên, 2 chỉ tiêu này đã tăng khá nhiều, năng suất và sản lượng khai thác trong năm 2008 tăng 136% và 1,513% so với năm 1980, lần lượt đạt 1,661 kg/ha và 662,900 tấn. Điều này thể hiện sự tiến bộ rất nhanh chóng của ngành khai thác cao su, đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cây cao su, đặc biệt là hỗ trợ đất trồng.


 


Hiện nay, quỹ đất để trồng mới cây cao su hiện còn không nhiều nên các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang trồng cao su tại Lào và Campuchia với diện tích trồng thêm dự tính vào khoảng 200,000 ha. Tuy nhiên, việc trồng mới tại 2 quốc gia này đang gặp nhiều trở ngại. Chính phủ hai nước sở tại đã bắt đầu so sánh lợi ích từ trồng cây cao su với việc trồng các loại cây khác, so sánh với việc hàng loạt rừng xanh bị mất để thay bằng cây cao su – vốn là loại cây làm hại đất. Do đó, việc còn lại và cũng là vấn đề bức thiết hiện nay là các doanh nghiệp trong ngành cần liên kết lại nghiên cứu ra giống cây mới có năng suất cao nhằm nâng cao sản lượng cao su, phục vụ cho nhu cầu trong nước và giữ vững vị trí của Việt Nam trong ngành cao su thế giới.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ đạo của cao su VN

Thị trường chính cho xuất khẩu cao su VN là Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Sản lượng cao su tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn quốc, chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất nệm mút, xăm lốp ô tô, giày dép,… Các doanh nghiệp lớn trong ngành thường có tỷ lệ tiêu thụ cao su nội địa cao hơn mức trung bình của ngành, khoảng 30-40%. Cụ thể trong năm 2008, cao su Phước Hòa, thị trường tiêu thụ nội địa chiếm 31%, tỷ lệ này đối với cao su Đồng Nai là 40%.


 


Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của VN trong các năm qua. Vị trí này ngày càng củng cố qua tình hình xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2009, chiếm 69.2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đạt 249.6 triệu USD. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 nhưng giá trị xuất khẩu thua xa Trung Quốc, chỉ đạt 16.3 triệu USD. Đây là điều khá may mắn cho ngành cao su Việt Nam khi quốc gia này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng được đánh giá là thị trường có nhiều biến động thất thường nhất. Khi có những tác động nhỏ về cơ chế, chính sách từ phía chính phủ, ngay lập tức nhu cầu và giá cao su cũng biến động theo. Do vậy, sự biến động của thị trường này đều ảnh hưởng đến doanh thu của ngành cao su trong nước.


 


Còn đó những thuận lợi

Trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thế giới ngày một tăng lên. Đây là một trong những thuận lợi đầu tiên giúp ngành cao su VN ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, ngành cao su là một trong những ngành được Chính phủ hết sức ưu tiên phát triển, tạo điều kiện mở rộng diện tích trồng cây cao su trong và cả ngoài nước. Vì vậy, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong ngành đang ra sức gia tăng diện tích cao su của mình. Đây chính là tiềm năng của các doanh nghiệp trong ngành trong tương lai.



Theo www.vietstock.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường