Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm mô hình cho mía chạy lũ
15 | 09 | 2009
Vùng mía nguyên liệu ở Hậu Giang đã vào vụ thu hoạch, nông dân phấn khởi vì bán được mía với giá cao nhất từ trước đến nay. Tuy vậy, nhiều người cho rằng để vùng mía này phát triển ổn định cần có các giải pháp về vốn, thủy lợi…

Giá mía cao kỷ lục 

Trung tuần tháng 9-2009, từ thị xã Ngã Bảy theo kênh Lái Hiếu đến thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, hàng chục ghe tải cỡ lớn của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang “đua nhau” thu mua mía. Vừa cân bán mía, ông Trần Chí Tường, ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp hỉ hả: “Tôi đang bán mía ROC với giá 700.000 đồng/tấn! Đây là lần đầu tiên nông dân Phụng Hiệp bán được mía với giá đó”-. Theo ông Tường, vụ mía năm nay, nông dân trồng giống mía ROC 16 đạt năng suất tối đa khoảng 16 tấn/công (1.000m2), giảm từ 3-5 tấn/công so vụ trước. Tuy nhiên, nhờ giá mía cao nên nông dân đạt mức lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng/công (30 triệu đồng/ha). 

Thương lái đang cân mua mía của ông Trần Chí Tường

Anh Hùng ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp vừa thu hoạch xong 3 công mía ROC 22 được 58 tấn. Theo anh Hùng, giá mía ROC 22 hiện nay khoảng 620 đồng/kg, cao gấp 1,2 lần so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do gia đình anh Hùng đã nhận tiền cọc của thương lái 10 ngày trước khi thu hoạch mía với giá 550.000 đồng/tấn, phần lỗ 70.000 đồng/tấn mía của anh đã “rơi” vào túi thương lái.

Khi được hỏi: Vì sao rẫy mía nằm trong vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ nhưng anh lại bán mía cho thương lái, anh Hùng giải thích: “Nông dân chúng tôi quen gọi thương lái chứ thực ra họ là đại lý của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ. Mặt khác, cách thu mua mía của thương lái và đại lý cũng giống nhau thôi”.

Với cách nghĩ như trên, anh Hùng và nhiều người trồng mía ở Phụng Hiệp chưa quan tâm trồng các giống mía cho chữ đường cao. Anh Hùng giải thích: Trồng giống mía ROC 16 tốn nhiều phân nhưng năng suất không quá 16 tấn/công, trồng mía ROC 22 ít tốn phân bón hơn nhưng có thể đạt năng suất đến 20 tấn/công. Dù các nhà máy đường cho biết chữ đường trong mía ROC 16 cao hơn mía ROC 22 nhưng hầu hết nông dân bán mía qua thương lái nên không quan tâm đến vấn đề này. 

Thu hoạch mía sớm? 

Tại rẫy mía của anh Hùng ở thị trấn Cây Dương, việc thu hoạch mía được thực hiện bởi nhiều công đoạn: chặt đốn mía, bó mía, dùng ghe nhỏ vận chuyển mía ra sông lớn, cào dọn lá mía.

Anh Tâm - người đang cào dọn lá mía giải thích: Chúng tôi vừa thu hoạch mía, vừa phải thu dọn sạch lá mía để ngày hôm sau chủ nhà kịp gieo sạ lúa trên nền đất mía. Anh Hùng giải thích thêm: “Bây giờ là cuối tháng bảy âm lịch, tôi phải khẩn trương gieo sạ lúa để thu hoạch vào cuối tháng 10 Âm lịch kịp bán lúa giống phục vụ cho vụ đông xuân tới”.

Theo anh Hùng, trong vụ lúa liếp (gieo sạ trên nền đất trồng mía) vừa qua, anh sạ 2 công đất thu hoạch tiếp được 1,5 tấn lúa. Lượng lúa trên được bán để làm giống với giá 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi 6 triệu đồng. Từ thực trạng trên, anh Hùng so sánh: “Nếu chậm thu hoạch 3 công mía, tôi có thể tăng thêm lợi nhuận 200.000 đồng-300.000 đồng nhưng lại trễ vụ sản xuất lúa giống với mức lợi nhuận cao hơn”.

Còn ông Trần Chí Tường cho biết: Năm nay, khoảng 60% số hộ trồng mía ở xã Hiệp Hưng chọn cách xạ gởi. Nghĩa là nông dân sạ lúa vào rẫy mía 20 ngày trước khi thu hoạch mía. Khi thu hoạch mía, chính lá và đọt mía che chở cho mạ khởi bị những người thu hoạch mía giẫm đạp lên. Khi thu hoạch xong, chủ nhà nhẹ nhàng thu dọn lá mía để lúa tiếp tục phát triển. Ông Trần Chí Tường nói: “Vụ trước, một số hộ thí điểm sạ gởi đều thành công nên năm nay có nhiều hộ làm thêm. Sạ gởi giúp nông dân tiết kiệm được 150.000đồng/công tiền cấy và sớm thu hoạch lúa”. 

Trong cuộc họp gần đây do Hiệp Hội mía đường Việt Nam tổ chức, các nhà máy đường ở ĐBSCL tiếp tục đề xuất thu mua mía 10 chữ đường với giá 600 đồng/kg. Thực tế, nông dân thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp - vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh Hậu Giang đang bán mía tại rẫy từ 600 đồng đến 720 đồng/kg.

Thời gian qua, nhiều nhà máy đường động viên nhau chậm vào niên vụ sản xuất mới để tránh cảnh tranh giành mua mía non với chữ đường và sản lượng thấp nhưng thực tế nông dân Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy đang cần thu hoạch ngay mía để kịp sản xuất vụ lúa trên nền đất mía. Thực trạng trên đang đòi hỏi các nhà máy đường cần tăng cường hợp tác với các nhà khoa học, chính quyền địa phương trong việc sản xuất giống mía ngắn ngày và các giải pháp thủy lợi. Đây là cách làm căn cơ để khôi phục và phát triển mô hình mía - lúa một thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Cần có cái nhìn và giải pháp linh động áp dụng cho vùng mía sớm nhất ĐBSCL trước áp lực chạy lũ 



Nguồn: SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường