Chúng tôi rảo xe dọc theo giồng nhãn thuộc các xã Hiệp Thành, Nhà Mát, Vĩnh Trạch Đông (thị xã Bạc Liêu), đến đâu cũng thấy người dân đốn hạ nhãn cổ. Ông Trần Văn Mạnh, ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông có 5 công nhãn cổ vừa đốn hạ để bán làm củi, làm đồ mỹ nghệ. Ông Mạnh cho biết do nhãn ít trái, giá rẻ nên người ta thi nhau đốn để trồng cây khác. “Ở đây ai cũng đốn hoặc tính đốn bỏ nhãn cổ, ngoại trừ các hộ sống cặp theo tuyến lộ tận dụng gốc nhãn để mở các điểm ăn uống, vui chơi, giải trí”, ông Mạnh nói. Nhiều người ở Sóc Trăng, Cần Thơ... cũng đến đây mua cả cây nhãn cổ chở đi. Thân nhãn sau khi đốn chủ yếu làm củi, gốc nhãn thì bán cho các cửa hàng đóng bàn ghế. Một gốc nhãn cổ tùy theo hình dáng được người dân bán cho các cơ sở mộc, với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng. Nhìn những cây nhãn hơn 100 tuổi bị đốn hạ, cành lá còn tươi xanh, nhiều người không khỏi ngậm ngùi, luyến tiếc.
Ông Trần Văn Nhớ, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Thành, nói: “Các dự án, chương trình phát triển du lịch của tỉnh hằng năm đều nhắc đến việc bảo tồn nhãn cổ, tập trung đầu tư vào đây. Vậy mà nhãn cổ bị chặt ngày càng nhiều hơn. Đà này chẳng bao lâu nữa vườn nhãn cổ sẽ bị xóa sổ”.
UBND thị xã Bạc Liêu cho biết đang khẩn trương triển khai nhiều hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu du lịch vườn nhãn nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển các loại hình kinh doanh du lịch, tạo thu nhập. Qua đó giúp người dân ý thức được những giá trị mà vườn nhãn cổ thụ mang lại để họ chung tay cùng chính quyền bảo vệ, khai thác vườn nhãn cổ. Tuy nhiên có vẻ như đã quá muộn.