Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính phủ thu mua 500 nghìn tấn gạo dự trữ - Giá gạo sẽ về đâu
25 | 09 | 2009
Theo quyết định số 1518/QĐ-TTg về việc mua tạm trữ lúa, gạo hè thu 2009, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty lương thực Miền Nam mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo vụ hè thu 2009. Thời gian hoàn thành mua số lúa, gạo trên là 2 tháng, được tính từ ngày 20/9/2009 đến 20/11/2009; thời gian tạm trữ là 4 tháng, được tính từ 20/9/2009 đến 20/1/2010. Như vậy đây là đợt thu mua lúa gạo thứ 2 của chính phủ, tiếp sau đợt thu mua thứ nhất diễn ra vào tháng 8/09 với lượng thu mua hơn 490 nghìn tấn gạo.

Diễn biến giá lúa tẻ thường tại các địa phương, Vnd/kg

Nguồn AGROINFO - www.agro.gov.vn


Về lý thuyết, nếu chính phủ mua dự trữ, lượng hàng hóa sẽ bớt tồn trong dân. Do vậy tình hình giá lúa gạo trong nước cũng sẽ được kéo lên. Cũng giống như đợt thu mua lần 1, Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua gạo theo giá bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân. Cụ thể là giá mua sẽ tuỳ theo phẩm chất từng loại lúa gạo (đảm bảo cho nhu cầu chế biến xuất khẩu) nhưng không thấp hơn giá sàn quy định là 3.800đ/kg lúa (đã qua phơi sấy, độ ẩm bình quân 17%).

Thực tế, trong lần thu mua đợt 1, với việc các doanh nghiệp tiến hành thu mua gạo với số lượng lớn đã đẩy giá gạo trong nước lên cao một chút. Thời điểm cuối tháng 8 và trung tuần tháng 9, giá lúa gạo tại nhiều địa phương đã tăng nhẹ. Giá gạo tẻ thường tại thành phố Hồ Chí Minh tăng nhẹ từ 8.313đ/kg (tháng 6 và tháng 7/09) lên 8.329đ/kg (tháng 8/09 và trung tuần tháng 9/09). Trong tuần từ 7-14/09, Gạo tẻ thường có giá không đổi so với tuần trước, ở các mức 7.800 đồng/kg và 8.000 đồng/kg tại Cần Thơ và Đà Nẵng. Giá gạo tẻ thường tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh tăng nhẹ lên 8.750 đồng/kg và 8.500 đồng/kg (tăng lần lượt 2,34% và 1,8% so với tuần trước).

Với chính sách thu mua tạm trữ đợt 2 từ chính phủ, vấn đề đặt ra là liệu giá gạo trong nước thời gian tới sẽ có những biến động tích cực hơn? Một số ý kiến cho răng mặc dù chính phủ thu mua với khối lượng lớn nhưng việc đẩy giá gạo lên cao trong thời gian tới là điều rất khó. Vì giá gạo trên thị trường thế giới đang ở mức thấp và có xu hướng đi xuống. Hơn nữa, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo không phải để xuất khẩu ngay mà thu mua để trong kho dự trữ. Do vậy các doanh nghiệp sẽ phải thu mua theo một giá nhất định và chờ động tĩnh của thế giới để không bị lỗ.

Hiện nay, một vấn đề đang được đặt ra đối với các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng như của cơ quan quản lý là việc xây dựng hệ thống kho dự trữ gạo. Tính đến thời điểm này, tồn kho dự kiến của các doanh nghiệp ở mức khoảng 1,550 triệu tấn. Cùng với 500.000 tấn gạo đang được tổ chức thu mua, lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp sẽ đạt mức hơn 2 triệu tấn. Như vậy, hệ thống kho chứa để đảm bảo chất lượng gạo trong quá trình dự trữ và chờ cơ hội xuất khẩu với giá tốt là hết sức quan trọng. Theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long: “Hiện nay rất ít doanh nghiệp có được hệ thống kho bãi đàng hoàng. Vậy sau khi mua 500 ngàn tấn gạo, doanh nghiệp sẽ cất vào đâu cũng là điều đáng bàn” (*). Như vậy hệ thống kho bãi cho tới nay vẫn luôn là một bài toán không dễ giải của Việt Nam và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Đặc biệt tại thời điểm này, Thái Lan có nhiều động thái đẩy mạnh xuất khẩu (chính phủ Thái Lan thu mua gạo với khối lượng lớn, giảm giá gạo xuất khẩu…) Do vậy, việc cạnh tranh với gạo Thái Lan để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu trong thời gian tới sẽ rất khó khăn, khi Thái Lan có lợi thế hơn chúng ta về chất lượng gạo. Việc thu mua gạo của chính phủ rất có thể sẽ không tác động mấy trong việc đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên cao. Tuy nhiên, đối với thị trường trong nước thì kịch bản đợt 1 có thể sẽ lặp lại trong đợt 2 này. Giá gạo sẽ được tăng nhẹ, hoặc giữ nguyên mức ổn định, tuy nhiên tình hình này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn khi vụ hè thu qua đi và nguồn cung lúa gạo trong nước lại được bổ sung từ vựa lúa thu đông.


(*): Theo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường