Giá đường trong nước thời gian qua diễn biến thất thường. Trao đổi với PV, giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng sự bất ổn của giá đường một phần do chính sách quản lý còn non kém, thiếu quy hoạch đối với mặt hàng được xem là nhu yếu phẩm này.
Cơ quan quản lý dễ tin các “đại gia”
|
Giáo sư Võ Tòng Xuân |
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết chính phủ ở nhiều nước luôn nắm rõ lượng cung cầu của các mặt hàng trọng yếu ở từng thời điểm để điều phối thị trường. Nhưng ở nước ta lại thường thả nổi, để cho doanh nghiệp tự điều chỉnh nên mới có sự thiệt hại cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Nhà nước không thể nắm được lượng đường mỗi nhà máy sản xuất ra trong từng tháng, cũng không nắm được cụ thể các công ty sữa đặc có đường, công ty nước giải khát, công ty bánh ngọt... sử dụng bao nhiêu đường nên không biết lượng đường sản xuất đang nằm ở đâu.
Nước ta hiện đang thiếu một cơ quan điều phối đường nắm rõ nhu cầu trong nước, tình hình sản xuất, giá đường thực tế ở trong nước và nước ngoài để có cơ sở xác định giá trong nước.
* Thưa giáo sư, mới đây Bộ Công thương kiến nghị nên nhập khẩu đường để bảo đảm sản xuất của doanh nghiệp, trong khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại khẳng định không hề thiếu đường. Rõ ràng giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý chưa có tiếng nói chung?
- Theo nhiều chuyên gia về đường, những công ty sữa và nước ngọt đã từng làm giàu không những với sữa bột rẻ nhập khẩu mà còn với lượng đường được nhập giá rẻ tích lũy trong kho. Rất tiếc là nhà nước không có cơ chế và biện pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất nguyên liệu. Trái lại, các cơ quan quản lý lại dễ tin các “đại gia” khi họ la thiếu đường để cho họ nhập thêm.
Ở Philippines, trong năm 2005, khi mùa mía bị thất bát, sản lượng đường sụt giảm, chính quyền cho tăng giá đường để cứu vãn thiệt hại của người trồng mía. Đồng thời, chính phủ cho nhập khẩu đường giá rẻ nhưng đánh thuế nhập khẩu để giá bán ra cũng bằng giá đường trong nước. Sau đó, chính phủ lấy tiền từ thuế nhập khẩu đường giao cho các hội nông dân trồng mía để chia lại cho các hội viên.
Thái Lan: Bán quá giá quy định, bị phạt tù
* Khác với nhiều mặt hàng, nguyên liệu đường phần lớn do trong nước đáp ứng. Vậy có cần thiết giá đường trong nước phải chạy theo giá của thế giới hay không, thưa giáo sư?
- Giá đường trong nước phải theo giá quốc tế, nhất là khi nông dân trồng mía từng bị thiệt thòi vì giá thấp quá, không còn muốn sản xuất mía mà chuyển sang trồng thứ khác có lợi hơn. Ở đây vai trò của cơ quan điều phối đường trong việc phân tích các thông số để định ra giá đường hợp lý là hết sức quan trọng.
Ở Thái Lan, Hội đồng mía và đường luôn định giá đường trong nước cao hơn giá xuất khẩu khi giá đường quốc tế có chiều hướng thấp. Chính phủ làm như thế là nhằm bảo đảm lợi nhuận của nhà máy đường và người trồng mía. Nhưng khi giá đường quốc tế tăng cao, họ lại tăng giá xuất khẩu trong khi vẫn cố gắng giữ giá nội địa ổn định.
Theo báo The Nation ở Bangkok ngày 4-9-2009, từ tháng 8-2009 thị trường nội địa Thái Lan có biểu hiện đầu cơ và đẩy giá đường cao hơn, chính phủ lập tức chặn đứng bằng biện pháp kiểm tra kho của các nhà máy đường. Các cửa hàng bị phát hiện bán lẻ quá giá nhà nước quy định sẽ bị phạt bảy năm tù và 3.500 USD; nếu có đường mà không bán cho khách hàng thì bị phạt năm năm tù và 2.500 USD.
Ở nước ta, nhà nước chưa dám có những biện pháp tương tự, mà chỉ nhắm mắt cho doanh nghiệp nhập thêm đường giá rẻ.
* Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng bán đường giá cao là để bảo đảm cuộc sống của hàng triệu người dân liên quan đến ngành mía đường liệu có hợp lý hay không?
- Nông dân trồng mía của nước ta liên tục trải qua những thăng trầm. Có năm mía trồng nhiều quá, các nhà máy đường không mua hết, giá rớt thê thảm, nhiều người phải chặt bỏ.
Một nguyên nhân khác làm cho giá thành sản xuất của ta quá cao là vì năng suất mía của Việt Nam còn ở dưới mức 50 tấn/ha so với 70-100 tấn/ha của nhiều nước. Vì vậy, nông dân không thiết tha với cây mía và nhiều vùng quy hoạch mía của các tỉnh đã bị phá vỡ. Năm nay giá đường tăng thì giá mía đã tăng theo, các doanh nghiệp sẽ tăng cường tranh mua mía khiến nông dân thấy dễ thở hơn.
Kiểm tra thấy thiếu đường mới cho nhập khẩu
* Sản xuất mía đường phải gắn liền với vùng nguyên liệu. Theo ông, mối liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp với vùng nguyên liệu và nông dân thời gian qua đã được tốt hay chưa?
- Nếu người trồng mía ngày càng kiệt quệ vì giá đường quá thấp thì người tiêu dùng phải chịu mua đường nhập khẩu. Như trên đã nói, để tự cứu sống gia đình mình, nông dân trồng mía đã bất chấp quy hoạch của nhà nước, bỏ cây mía để trồng cây khác. Chính quyền địa phương phải bó tay, không nỡ ép dân bị nghèo vì cây mía.
Có thể nói đến giờ phút này, khoảng 40 nhà máy đường còn hoạt động trong nước đều không có mối quan hệ gì với nông dân trồng mía ngoại trừ một số nhà máy đường có cho nông dân vay trước tiền để trồng mía. Một số nhà máy đường hoàn toàn không đầu tư gì cho nông dân mà để tiền đó để “cướp công” các nhà máy đường khác bằng cách trả giá cao tranh mua mía. Đến nay chưa có tỉnh nào tổ chức tập hợp nông dân trồng mía thành những hiệp hội hoặc tập đoàn trồng mía như ở nhiều nước.
* Theo ông, có nên cho nhập khẩu đường hay không?
- Không nên cho nhập đường khi chưa nắm rõ lượng đường trong nước. Cơ quan chức năng cần kiểm tra sổ sách và kho của các nhà máy đường, các công ty khách hàng (các siêu thị và cửa hàng bán lẻ, các doanh nghiệp sữa, nước giải khát, bánh ngọt...) của các nhà máy đường.
Nếu kết quả kiểm tra cho thấy thiếu đường thì mới cho nhập chính thức. Không nên để nhập lậu tràn lan, nhất là qua biên giới tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Tây Ninh. Trong trường hợp cho nhập khẩu thì cần điều tiết thuế nhập khẩu bù đắp cho người trồng mía.
* Xin cảm ơn giáo sư.