Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo thế giới đang chịu sức ép lớn
20 | 10 | 2009
Thị trường gạo thế giới đang xuất hiện không ít yếu tố có thể gây biến động. Mặc dù vậy, chắc chắn những biến động ở Thái Lan, cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới mới là yếu tố quyết định xu thế của giá gạo thế giới.

Trước hết, hai yếu tố mới nổi lên trong thời gian qua có tác dụng đẩy gía gạo thế giới tăng là Philippines và ấn độ.  Trong đó, nóng hổi nhất là những thông tin về hai cơn bão quét gây thiệt hại ước tính khoảng 500 nghìn tấn gạo của Philippines khiến quốc đảo này sẽ phải mở thầu sớm hơn thông lệ hai tháng để nhập khẩu thêm 250 nghìn tấn gạo ngay cuối tháng này.
Cũng bắt nguồn từ lý do này, sản lượng gạo trong năm tới cũng không thể tăng như dự kiến sẽ buộc Philippines phải tăng khối lượng gạo nhập khẩu trong năm 2010 để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng. 

Mặc dù vậy, quốc gia gây ảnh hưởng lớn nhất tới cán cân cung cầu gạo theo hướng này lại là “người không lồ” ấn độ chứ không phải là Philippines. Bởi lẽ, những thông tin gần đây cho biết, do bị hạn hán nặng nề tại vựa lúa lớn của quốc gia giữ vị trí thứ hai thế giới cả về sản xuất và tiêu dùng gạo này, sản lượng gạo trong niên vụ sắp tới sẽ giảm trên 15 triệu tấn.

Tuy nhiên, do rất tích cực “tích cốc phòng cơ”, kho dự trữ gạo của nước này vào cuối năm nay sẽ tăng gấp đôi so với cách đây bốn năm, cho nên có nhiều khả năng ấn độ sẽ xuất khoảng 40% khối lượng gạo dự trữ khổng lồ của mình để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà không cần huy động gạo từ thị trường thế giới.

Trong khi đó, do được cơn sốt nóng giá gạo thế giới cho đến nay đã kéo dài hơn năm năm thúc đẩy, sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ đạt kỷ lục chưa từng có, khối lượng tạm trữ chờ đẩy ra thị trường thế giới là con số khổng lồ so với nhu cầu tăng đột xuất nói trên, cho nên khả năng giá gạo thế giới sắp tới sẽ tăng là điều rất khó có thể xảy ra.

Trước hết, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công bố tuần trước, sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ đạt kỷ lục chưa từng có 445,7 triệu tấn, tăng 2,84% so với niên vụ trước. Trong khi đó, tiêu dùng gạo thế giới năm nay chỉ tăng 1,63% và đạt 435,3 triệu tấn. Chính do không đồng tốc như vậy, tồn kho gạo thế giới cuối năm nay sẽ tăng nhảy vọt 10,3 triệu tấn và 12,81% so với năm 2008.

Tồn kho lớn của một loạt các nước xuất khẩu đang chờ cơ hội để đảy ra thị trường thế giới sẽ khiến giá gạo thế giới giảm.

- Thứ nhất, cho dù sản lượng gạo của Thái Lan năm nay tăng không đáng kể, nhưng do xuất khẩu của cường quốc số 1 thế giới này từ đầu năm đến nay vẫn còn giảm quá mạnh, cho nên sức ép đẩy mạnh xuất khẩu để giảm bớt khối lượng dự trữ đang ngày càng tăng.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tuy sản lượng gạo của Thái Lan năm nay chỉ tăng 100 nghìn tấn, nhưng khối lượng gạo xuất khẩu lại giảm hơn 1,5 triệu tấn, tương ứng với mức giảm xấp xỉ 15%, cho nên khối lượng gạo dự trữ của nước này trong năm nay tăng đột biến 41,14%.

Chính do không muốn cho kho gạo dự trữ của mình không tiếp tục phình ra thêm nữa, Chính phủ Thái Lan đã quyết định thay đổi chính sách lúa gạo được đánh giá là đã áp dụng thành công từ nhiều năm nay. Đó là, thay vì bán hàng triệu tấn lúa cho Chính phủ theo giá quy định nhằm nâng đỡ giá lúa gạo mỗi khi nguồn cung tăng mạnh như lâu nay, kể từ ngày 1 tháng 11 tới, khi vụ thu hoạch chính của nước này diễn ra, nông dân Thái Lan sẽ bán lúa cho các chủ nhà máy xay xát và sẽ được Chính phủ hỗ trợ nếu như giá bán thực tế thấp hơn mức giá tham khảo của Chính phủ.

Điều này có nghĩa là, sẽ không có hàng triệu tấn lúa được rút ra khỏi lưu thông để đưa vào dự trữ như lâu nay, mà có thể toàn bộ sản lượng lúa khổng lồ ước tính khoảng 23 triệu tấn của niên vụ 2009/2010 sẽ được tung ngay ra thị trường. Nói cách khác, chắc chắn do kho dự trữ lúa của Thái Lan đã phình quá to, hiện được đánh giá là vào khoảng 7 triệu tấn và chi phí cho khoản dự trữ này đã lên tới mức khổng lồ, cho nên Chính phủ Thái Lan muốn sớm đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.

Cũng chính vì những lý do này, theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, khối lượng gạo xuất khẩu của nước này năm nay sẽ đạt khoảng 8,7 triệu tấn, thậm chí 9 triệu tấn, chứ không phải chỉ là 8,5 triệu tấn như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Điều này có nghĩa là, thay vì chỉ xuất khẩu mỗi tháng 570 nghìn tấn gạo trong quý IV năm 2008, trong quý IV năm nay, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thái Lan sẽ xuất khẩu gần 700 nghìn tấn/tháng, còn theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, con số này còn lên tới 760-860 nghìn tấn/tháng.

Cũng chính vì xuất khẩu sẽ tăng rất mạnh như vậy, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng, nếu thời tiết bình thường và không có hạn hán đột ngột, giá gạo của Thái Lan sẽ giảm rất mạnh xuống chỉ còn khoảng 380-400 USD/tấn vào cuối năm nay, còn theo Chủ tịch CTCP Intertrade ở Bangkok, không có lý do nào để giá tăng lên và điều chúng tôi muốn biết là giá sẽ giảm bao nhiêu.

- Thứ hai, trong khi Thái Lan áp dụng chính sách mới để đẩy mạnh xuất khẩu như vậy, các quốc gia mới nổi trong “làng xuất khẩu gạo thế giới” cũng tăng tốc xuất khẩu đương nhiên sẽ làm cho áp lực cung - cầu trên thị trường thế giới càng nghiêng nhiều hơn về phía các nước xuất khẩu.

Tuy Myanmar đang tăng tốc xuất khẩu chỉ cán đích 1 triệu tấn trong năm nay, nhưng sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2008 (năm 2007 cũng chỉ mới xuất khẩu 31 nghìn tấn). Ngoài ra, tuy không phải là “từ không đến có” như Myanmar, nhưng mức tăng xuất khẩu tới 60% trong năm nay của Campuchia cũng là mức tăng bùng nổ (tăng từ 500 nghìn tấn lên 800 nghìn tấn). Mặc dù vậy, do Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm, nên tổng khối lượng xuất khẩu của “ba người anh em” Đông Nam Á này từ nay đến cuối năm vẫn còn thấp rất xa so với của cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, cho nên chính Thái Lan mới là tác nhân chủ yếu kéo giá gạo thế giới sắp tới tụt dốc.



Nguyễn Đình Bích/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường