Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chưa an tâm cho người trồng lúa
05 | 11 | 2009
Bộ Công thương đang hoàn chỉnh dự thảo nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo để trình Chính phủ thông qua. Theo nhiều chuyên gia, chưa có nhiều thay đổi lớn trong điều hành xuất khẩu gạo, vẫn nặng giải quyết câu chuyện của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hơn là quyền lợi của người trồng lúa.

Nội dung mới trong dự thảo về kinh doanh xuất khẩu lúa gạo là hoạt động xuất khẩu gạo thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dự kiến các quy định này có hiệu lực vào năm 2010.

Sắp xếp lại hoạt động xuất khẩu

Cần cải tổ cơ chế điều hành xuất khẩu gạo

Vấn đề xuất khẩu gạo cũng vừa được xới lên tại hội thảo “Điều hành xuất khẩu gạo: thực trạng và giải pháp” do báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức.

TS Lê Dăng Doanh, chuyên gia cao cấp về kinh tế, cho rằng cần cải tổ cơ chế điều hành xuất khẩu gạo của VFA, phải có cả chuyên gia kinh tế độc lập và đại diện người nông dân trong hiệp hội. Cũng phải thay đổi về cơ chế, chính sách mới hi vọng việc điều hành xuất khẩu gạo có thay đổi, có lợi hơn cho dân, cho nước.

Đ.Bình

Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng tối thiểu 5.000 tấn để chứa lúa, gạo và phải có ít nhất một cơ sở xay xát lúa với công suất chế biến tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.

Ngoài ra, thương nhân xuất khẩu gạo cũng phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 20% số lượng gạo đã xuất khẩu sáu tháng trước đó. Quy định này nhằm giúp có nguồn hàng kịp thời can thiệp thị trường, bình ổn giá gạo theo chỉ đạo của Nhà nước.

TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng việc bắt buộc DN xuất khẩu gạo phải có cơ sở vật chất là để giảm bớt tình trạng chỉ bán "nước bọt”. Hoặc DN dựa vào quen biết để được cấp chỉ tiêu xuất khẩu trong khi DN có năng lực lại chỉ có thể xuất khẩu ủy thác thông qua đơn vị khác.

Nhiều doanh nghiệp lo

Mặc dù ủng hộ việc đưa ra các điều kiện để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, có lợi hơn cho người trồng lúa, nhưng nhiều DN cũng lo ngại họ không đủ thời gian để chuẩn bị theo các điều kiện này. Đặc biệt là các DN nhỏ hoặc những DN chỉ tham gia khâu mua bán gạo, không có hoạt động chế biến, kho tàng...

Theo một DN xuất khẩu gạo, để đầu tư kho chứa, hệ thống xay xát và đánh bóng theo tiêu chuẩn của Bộ Công thương tối thiểu cũng cần hàng chục tỉ đồng vốn đầu tư. Trong khi theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), Việt Nam có gần 200 DN xuất khẩu gạo, trong đó số DN có kho tàng, cơ sở xay xát... chiếm chưa tới 25%.

Thế nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng việc đưa ra quy định mới về xuất khẩu gạo sẽ giúp sắp xếp lại hoạt động xuất khẩu gạo. Theo ông Phạm Văn Bảy, giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang, dự kiến sau khi nghị định có hiệu lực từ 1-1-2010, các DN có chín tháng chuẩn bị. Điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo là cần thiết bởi sẽ làm lành mạnh hóa ngành gạo VN. Trước đây nhiều DN không có gạo trong kho cũng ký hợp đồng xuất khẩu, sau đó ồ ạt mua vét làm rối loạn thị trường.

“Không đủ điều kiện thì đừng nên xuất khẩu. Nếu quy mô DN quá nhỏ thì nên chuyển sang cung ứng hàng cho các DN khác xuất khẩu”, ông Bảy nói.

Nhưng những DN lo bị loại ra khỏi hoạt động xuất khẩu gạo cũng có lý vì đến khi nghị định có hiệu lực chỉ còn hơn chín tháng không đủ để xoay trở. “Ngoài nguồn vốn đầu tư lớn còn cần rất nhiều thứ khác như đất đai, đặc biệt là mất nhiều thời gian làm thủ tục đầu tư. Khâu thủ tục đầu tư nhanh cũng phải mất một năm rưỡi”, một DN nói.

Băn khoăn vai trò của VFA

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, quy định này chỉ giải quyết phần ngọn, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề, đó là cách điều hành của VFA khiến DN, nông dân vẫn gặp khó khăn. Trên 200 DN thu mua xuất khẩu gạo, đến vụ các DN đổ xô tranh thu mua lúa cho nông dân nhưng lúa vẫn tồn đọng, nông dân vẫn bị ép giá. Nay đưa ra quy chế mới, chỉ còn lại các “đại gia” được xuất khẩu, không loại trừ họ sẽ làm giá, ép giá nông dân. Cũng theo GS-TS Võ Tòng Xuân, “Các DN nhỏ không chấp nhận bỏ cuộc, họ sẽ biết điều với các đại gia có tiềm lực để được xuất và như thế lại trở về cách làm cũ tiêu cực trước đây”.

Theo các chuyên gia, vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian qua là việc VFA nắm quyền cấp phép hợp đồng xuất khẩu gạo thiếu minh bạch, nhưng trong quy chế mới đang được xây dựng, quyền lực của VFA không bớt đi mà còn tăng lên. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại VFA và chỉ được xuất khẩu gạo sau khi hợp đồng đó đã được đăng ký theo quy định.

Ngoài ra, VFA cũng được thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để ký các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. TS Bảnh đề nghị các đơn vị được chỉ định đầu mối chỉ được xuất trực tiếp 20%, còn 80% không nên để VFA phân phối mà cứ cho đấu thầu công khai sẽ hay hơn và có lợi hơn.


Chưa đề cập đảm bảo có lãi cho người trồng lúa

Theo TS Lê Văn Bảnh, quy chế mới giải quyết các vấn đề của DN gạo, còn vấn đề đảm bảo người dân có lãi và giải quyết khâu trung gian thì chưa đề cập đến.

“Muốn cho người trồng lúa an tâm sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhất thiết các DN cần phải có đầu tư vùng nguyên liệu của mình, hợp đồng đặt hàng quy định: chủng loại, số lượng, chất lượng, thời gian, đơn giá... cần có vùng chuyên canh, nông dân liên kết hợp tác trong sản xuất, có như vậy sản lượng mới ổn định cho DN và tạo điều kiện nâng cao chất lượng hạt gạo VN” - TS Lê Văn Bảnh cho biết.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường