Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chi - Phó Vụ trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương quanh vấn đề xuất khẩu gạo khi dự thảo nghị định được đưa ra.
Ông Chi cho hay, có ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định Kinh doanh Xuất khẩu gạo không nên đưa vấn đề an ninh lương thực (ANLT) vào, mà chúng ta đã có một lượng dự trữ quốc gia để đảm bảo ANLT; thậm chí nếu cần thiết có thể tăng lượng này.
Tuy nhiên, dự trữ quốc gia nên hiểu là để phục vụ lúc thiên tai, bão lũ, chiến tranh… và thường tập trung ở những vùng gặp khó khăn về lương thực. Trước đây, chúng ta dự trữ nhiều, nhưng thực tế dùng đến ít.
Nhưng, vấn đề ANLT phải ở tầm lớn hơn, là phải lo cho tất cả người dân hàng ngày không phải mua gạo giá cao, mà phù hợp với thu nhập của họ.
Nếu không cân đối lương thực với công dân trong xã hội mà bán đi một lượng lớn, thì không có trách nhiệm với dân.
Vậy trong Dự thảo nghị định này có đặt điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, theo ông nên như thế nào?
Đặt điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu là cần thiết. Khoảng tháng 6/2008, do tác động cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới nên lợi thế thuộc về những người xuất khẩu. Vì thế, phát sinh chuyện nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác tham gia xuất khẩu gạo.
Nhưng nếu hai năm trước đó, khi thị trường khó khăn, rất ít doanh nghiệp tham gia. Việc đưa ra điều kiện với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay không, nhà chức trách phải xem xét và chuẩn lại quy định của mình trước đó.
Vừa rồi, lúc thị trường khó khăn, chúng ta thực hiện chính sách này là rất đúng để khuyến khích xuất khẩu, tiêu thụ gạo giúp nông dân. Tuy nhiên, nảy sinh thực tế, khi lợi nhuận cao, các doanh nghiệp tranh nhau mua để xuất khẩu.
Ví dụ, trước 30/4/2008, chỉ xuất khẩu 2.000 tấn gạo đã có thể lãi lớn. Nhưng lúc không lãi, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ, ai lo cho nông dân. Vậy chỉ có những doanh nghiệp truyền thống, có bạn hàng thường xuyên, thị trường ổn định họ mới quay lại với nông dân.
Có ý kiến cho rằng, duy trì giá sàn làm doanh nghiệp không chủ động, gây khó khăn khi xuất khẩu. Vậy có nên duy trì giá sàn?
Việc quy định giá sàn là rất cần thiết, và nên hiểu đây là giá hướng dẫn, thông báo thị trường thế giới như thế nào để doanh nghiệp ta bán. Quy định này không chỉ để tránh các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá, mà còn tránh doanh nghiệp nước ngoài ép giá ta.
Nhiều bài học xảy ra, khi doanh nghiệp nước ngoài mua từ một Cty ở tỉnh này với giá thế này, nhưng sang Cty ở tỉnh khác, giá lại khác, thế là doanh nghiệp nước bạn tìm cách dìm giá… Không thể nói như thế là làm mất chủ động của doanh nghiệp. Nên hiểu rằng, doanh nghiệp không bán được giá cao thì không bao giờ mua cho nông dân giá cao được.
Ý kiến của ông thế nào khi, việc điều hành xuất khẩu gạo của VFA vấp phải không ít phản ứng của doanh nghiệp rằng, VFA khoác chiếc áo quá lớn khi làm thay cơ quan quản lý nhà nước?
Việc điều hành xuất khẩu nên giao cho ai, hiệp hội hay bộ ngành quản lý nên tiếp tục bàn. Vấn đề nằm ở việc phân chia lợi nhuận giữa người sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất khẩu như thế nào cho hợp lý.
|
Ông Nguyễn Đăng Chi |
Những ai tham gia trong chuỗi từ sản xuất đến xuấtkhaaur gạo nảy sinh những mâu thuẫn là do lợi nhuận phân chia không rõ ràng. Ở Thái Lan, khi có vấn đề nảy sinh, tất cả các hội ngồi lại cùng nhau giải quyết, còn ta thì chưa có. Dư luận phản ứng khi nông dân chỉ bán được lúa với giá thấp, lãi không cao trong khi vừa qua hai tổng Cty lương thực lớn có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng?
VFA là hiệp hội ngành hàng, không phải hiệp hội chính trị xã hội. Thực tế, trước đây nói là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, nhưng chức năng chính là bảo vệ quyền lợi các thành viên.
Còn việc khi thấy lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà xuất khẩu, mà Nhà nước không thu lại thì đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Tài chính. Đặc biệt là những hợp đồng tập trung, đáng lẽ cơ quan quản lý phải điều phối lợi nhuận từ những hợp đồng này.
Có lần, tôi đã kiến nghị, khi đấu thầu giá gạo cao so với giá các doanh nghiệp tính toán, phải thu lại một phần cho Nhà nước, để Chính phủ điều hòa cho người sản xuất, vận tải, bao bì, người chế biến… được hưởng, và cái này chúng ta phải làm được. Có thể là trợ giá vận tải phân bón cho nông dân, nhất là vùng sâu vùng xa để giảm giá phân bón. Quản lý nhà nước nhìn vĩ mô phải phát hiện cái đó, để tránh gây ra bức xúc trong dư luận.
Khi chúng ta có những điều kiện thời tiết thuận lợi, cấy trồng… mà người tiêu dùng lại phải mua giá gạo cao hơn giá thế giới, và hiện chúng ta chịu giá đó là không ổn. Giá bán trên thị trường trung bình 8 - 9 nghìn đồng/kg (gạo ngon), trong khi xuất khẩu với giá 6 - 7 nghìn đồng/kg. Như vậy, người tiêu dùng đang gánh chịu, để lợi nhuận của nhà xuất khẩu hưởng. Nhưng, nếu không xuất khẩu được thì sản xuất đình trệ ngay. Người sản xuất không đủ bù chi phí họ sẽ không trồng nữa. |