Nông dân thắng đậm
Trong khi nhiều nông dân trúng giá vui mừng thì cũng không ít người tiếc rẻ vì đã bán mía non trước cho thương lái. Vụ mía này, tỉnh Trà Vinh có hơn 6.000ha mía, trong đó có khoảng 20%-30% diện tích bà con đã bán cho thương lái cách đây từ 1-3 tháng. Tính ra, những nông dân đã bán mía non thiệt hại từ 100.000 - 300.000 đồng/tấn. Ông Lâm Văn Beo (ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, Trà Cú) tiếc rẻ: “Tôi bán 4 công mía cho thương lái cách đây gần 2 tháng với giá 650.000 đồng/tấn. Lúc đó tại thấy mía có giá hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên bán cho xong. Bây giờ thì tiếc hùi hụi”. Hầu hết, những người dân tại xã Hiệp Hưng và xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đều bán mía từ cuối tháng 8 để chạy lũ và lên liếp trồng lúa. Nhưng năm nay lũ nhỏ và về muộn không ảnh hưởng nhiều vùng mía. Giá mía từ đầu vụ đến nay lại liên tục tăng làm bà con bán mía sớm phải tiếc rẻ. |
Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh là 3 tỉnh đang vào cao điểm thu hoạch mía niên vụ 2009 - 2010 khu vực ĐBSCL. Hàng loạt thương lái từ các nơi đổ về 3 tỉnh trên thu mua nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy.
Ông Trương Văn Hiền, nông dân xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp - Hậu Giang) mừng ra mặt: “Chưa bao giờ giá mía cao như hiện nay, bình quân từ 850 - 900 đồng/kg. Giá càng cao, thương lái tìm mua càng nhiều, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu - lấy tiền cái một, sướng thật”.
Năm nay, anh Hiền trồng 12 công mía, bán với giá 910 đồng/kg, trừ chi phí còn lời trên 120 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong hàng chục năm trồng mía.
Tại Sóc Trăng, giá mía tăng từng ngày nên nông dân phấn khởi. Ông Lê Văn Đáng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỹ Tú, cho biết: “Nhiều khu vực, mía đạt chất lượng khá ở xã Long Hưng và Hưng Phú đã tiêu thụ gần hết. Hiện thương lái tranh nhau mua mía xô nguyên đám ở Mỹ Phước và Mỹ Thuận, bất chấp một số nơi mía còn non chưa đạt 10 chữ đường”.
Cũng theo ông Đáng, trước xu thế giá mía ngày càng tăng, cộng với việc thương lái săn lùng ráo riết nên không ít nông dân không vội bán, mà giữ lại để chờ giá tăng thêm.
Theo ông Phạm Hồng Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, tình hình tranh mua tranh bán đang diễn ra rất “nóng”. 7.300ha mía dù mới bắt đầu thu hoạch nhưng thương lái đến mua nườm nượp với nhiều hình thức khác nhau như “mua ký, mua xô nguyên đám…”. Có thể nói, chưa bao giờ nông dân xứ cù lao bán mía dễ và “trúng đậm” như năm nay.
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, khẳng định: Với giá nguyên liệu như hiện nay, nông dân lời bình quân 50 - 60 triệu đồng/ha. Riêng những hộ trồng mía giỏi thuộc Câu lạc bộ 200 tấn/ha ở Hậu Giang lời đến 100 triệu đồng/ha trở lên. Mức lợi nhuận dù có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Trong khi giá mía tăng thì giá đường cũng liên tục nhảy vọt. Hiện tại, giá đường bán sỉ đang dao động ở mức từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; các đại lý bán lẻ từ 17.000 - 17.200 đồng/kg, cao nhất từ đầu năm đến nay.
|
Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía bán được giá cao. |
Phân tích tình hình này, ông Nguyễn Thành Long cho biết giá đường lên cơn sốt là do “cung ít hơn cầu”. Hiện các cơ sở sản xuất bánh kẹo đang cần đường để vào vụ Tết Canh Dần. Trong khi các nhà máy ở ĐBSCL gặp khó vì không đủ nguyên liệu hoạt động, các nhà máy ở miền Trung - Tây Nguyên chậm vào vụ do ảnh hưởng bão, miền Bắc phải chờ cuối tháng 11 mới ép.
Cùng lúc, đường cát Thái Lan nhập qua biên giới Tây Nam rất hạn chế. Vì thế, sản lượng đường trên thị trường thiếu hụt, đẩy giá tăng cao. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, nhiều khả năng giá đường sẽ hạ nhiệt trong 10 ngày tới, bởi các nhà máy ở miền Trung và miền Bắc đồng loạt vào vụ. Tuy nhiên, vẫn đứng ở mức cao 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Thương lái nắm giữ vùng nguyên liệu?
Điều làm cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam đau đầu mỗi khi vào vụ mới là làm sao ổn định được giá mía, giá đường, hạn chế cảnh tranh mua tranh bán. Nỗ lực là vậy nhưng thực tại nhiều nhà máy ở ĐBSCL rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng, mặc dù 10 nhà máy đã thay nhau nghỉ xoay vòng 10 ngày.
Cũng theo hiệp hội thì hiện nay khoảng 50% sản lượng mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã rơi vào tay “thương lái”, do đó diễn biến về giá mía tăng giảm đều có sự can thiệp của thương lái. Giải thích về thực trạng này, các công ty mía đường thừa nhận họ không thể nào tổ chức được hệ thống thu mua đến tận cơ sở, do không đủ nhân sự, ghe máy, vận chuyển… Vì vậy, việc đưa mía nguyên liệu từ ruộng về nhà máy buộc phải “nhờ” thương lái.
Tháo gỡ việc này, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, khuyến cáo các nhà máy nên khẩn trương bàn bạc với thương lái để đi đến thống nhất giá cả, thời gian thu hoạch… trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thương lái rất nhiều nhưng không ai quản lý được, trong khi các nhà máy dù đang cải thiện về “liên kết” tìm tiếng nói chung nhưng vẫn chưa thống nhất 100%. Vì vậy, việc thu mua nguyên liệu không ai giống ai. Tất cả vẫn do thị trường quyết định.