Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúng túng kiểm soát nông sản “ngoại”
08 | 12 | 2009
Theo Bộ NN-PTNT, thời điểm cuối năm, các loại nông sản, thực phẩm nước ngoài, mà chiếm phần nhiều là của Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam qua các cửa ngõ biên giới. Trước tình hình trên, ngày 7-12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức một cuộc họp khẩn để bàn giải pháp ngăn chặn sự xâm nhập của nông sản ngoại.

Nguy cơ khan hiếm rau củ quả

Theo cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan, cứ về cuối năm, các loại mặt hàng nông sản nhập khẩu lại tìm cách tràn vào nội địa. Thời điểm hiện tại, các cửa khẩu như Lào Cai, Tân Thanh, Móng Cái đều đang bắt đầu “nóng” lên. Bên cạnh các mặt hàng lậu quen thuộc như đồ điện tử, thuốc men, vải vóc thì chiếm tỷ lệ khá lớn vẫn là gia cầm, nội tạng động vật và rau, hoa quả.

Ban quản lý cửa khẩu Lào Cai cho biết, trung bình mỗi ngày ở đây đang có khoảng 400 tấn nông sản nhập khẩu. Còn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng có khoảng 100-150 tấn/ngày, chưa kể hàng trăm tấn nông sản nhập vào nước ta theo hình thức biên mậu của cư dân hai bên biên giới (xé lẻ để xách tay, gùi thồ về).

Trong đó về rau quả thì chủ yếu là cà chua, khoai sọ, khoai tây, tỏi, cải bắp, cải bao, củ cải... Trong các lô nông sản nhập vào nội địa, điều đáng quan tâm là mới đây, cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu đã phát hiện được một số mẫu cà chua có chứa chất alatoxin, là một chất rất độc hại.

Ở miền Bắc, hầu như các lô rau, củ quả đều được vận chuyển về sâu nội địa theo hai đầu mối. Trong đó, hoa quả thì được chở thẳng về chợ Long Biên (Hà Nội). Còn các loại rau, củ quả khô và tươi thì có khoảng 60% được chở về ngoại ô thị xã Bắc Ninh (Bắc Ninh) để phân loại. Sau đó, cả hai loại rau và quả sẽ được đưa lên ô tô chở đi nhiều nơi trong cả nước tiêu thụ.

Sở dĩ năm nay, tình hình nhập khẩu rau củ lại tăng đột biến là do cả miền Bắc đang hạn hán, khả năng nước tưới phục vụ gieo trồng vụ Đông không đủ nên rau thiếu nhiều. Còn ở miền Nam do mùa mưa bắt đầu sớm, nên có nhiều nơi, diện tích rau xanh đã bị dập nát 40-50%, không có khả năng cho thu hoạch. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng thừa nhận, sản lượng rau quả trong nước hiện giảm đáng kể, các đơn hàng xuất khẩu cũng chỉ đáp ứng được 50%.

Lo kiểm soát về chất lượng

Nông sản ngoại tràn vào sẽ góp phần làm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả song một nỗi lo quen thuộc và được nhiều người quan tâm là khâu đảm bảo an toàn về chất lượng trong khi cơ chế quản lý và thiết bị để kiểm tra, kiểm soát lại không có đủ. Nhiều chuyên gia lý giải rằng, sở dĩ tồn tại tình trạng quản lý yếu kém, nhiều kẽ hở như hiện nay là do sự chồng chéo về về trách nhiệm giữa cơ quan liên quan như nông nghiệp, hải quan, công an, quản lý thị trường, y tế…

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) dẫn chứng: “Chẳng hạn một số loại chất trong thức ăn chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã đưa vào danh mục cấm nhưng Bộ Y tế lại cho nhập giới hạn. Hoặc việc nhập rau, củ, quả, thực phẩm đóng hộp cũng vậy, mặc dù Bộ NN-PTNT không cho nhập nhưng Bộ Công thương vẫn cấp hạn ngạch nhập khẩu”. Bởi vậy, cơ quan, cán bộ bên dưới lúng túng, nhiều khi không biết phải làm thế nào!

Tương tự, ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng giãi bày: “Về quản lý rau quả nhập khẩu, xét về lý thuyết thì thuộc trách nhiệm của Bộ NN-PTNT nhưng Bộ Y tế cũng có một phần trách nhiệm vì bộ này quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và dựng hàng rào kỹ thuật. Hiện nay, việc triển khai thí nghiệm chất lượng nông sản tại các cửa khẩu cũng đang do cả hai bộ cùng quản lý, văn bản, chủ trương thì chồng chéo nhau, nên nhiều khi chẳng biết đâu mà lần”.

Để ngăn chặn nông sản ngoại tràn vào nội địa (bằng việc kiểm soát chất lượng) mà vẫn đảm bảo cho nông sản nội đi ra nước ngoài, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, về lâu dài, biện pháp vẫn là phải lập hàng rào kỹ thuật nhưng chúng ta sẽ thực hiện theo thông lệ quốc tế. Tức là có thời gian để đối tác nước ngoài chuẩn bị đón nhận, song song với việc không ngừng nâng cao chất lượng của nông sản nội để tránh các rủi ro trong xuất khẩu.

Còn trong mục tiêu trước mắt, Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng rà soát lại các văn bản quản lý của mình để sửa đổi, ban hành lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm siết chặt hơn các loại nông sản nhập khẩu. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các đơn vị có liên quan như Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan cần nỗ lực vào cuộc hơn để cả hệ thống cùng bắt tay kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu.



Theo www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường