Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý mía -đường ở Tuyên Quang
15 | 12 | 2009
Nghịch lý này đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó khăn, thiếu nguyên liệu sản xuất và đời sống người công nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2007, khi công suất chế biến của Công ty cổ phần đường Sơn Dương chỉ có 1.500 tấn nguyên liệu mía/ngày thì diện tích mía nguyên liệu liên tục được mở rộng. Mía lấn át đất vườn tạp, chiếm đất trồng cọ, thậm chí lan cả vào đất trồng rừng, diện tích lên tới 4.223 ha. Nhưng từ năm 2008, công ty này đầu tư nâng công suất chế biến lên 2.150 tấn nguyên liệu mía/ngày thì diện tích mía lại giảm dần; năm 2008, giảm hơn 400 ha; năm 2009 lại giảm thêm gần 170 ha. Hiện tổng diện tích trồng mía toàn huyện Sơn Dương chỉ còn hơn 3.619 ha. Trong 28 xã huyện Sơn Dương quy hoạch vùng nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy, với tổng diện tích hơn 4.000 ha, thì diện tích mía hụt so với kế hoạch tương ứng với khoảng 4 xã không có mía.

Đáng lo ngại hơn, hiện nay người dân tỏ ra không còn mặn mà với việc trồng mía, kết thúc vụ trồng mía năm 2009, toàn huyện Sơn Dương chỉ trồng mới được hơn 330 ha đạt 66% kế hoạch; trồng lại 756 ha, đạt 94% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân việc người dân không mặn mà với việc trồng mía là do chi phí đầu tư cho cây mía như: giá phân bón, thuốc trừ sâu và tiền thuê nhân công lao động tăng, nhưng giá mía nguyên liệu lại tăng không tương xứng...

Đứng trước thực trạng trên, hiện ông Hoàng Thanh Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cho biết: Để duy trì diện tích mía hiện có, đồng thời mở rộng diện tích trồng mía trong vùng quy hoạch toàn tỉnh lên hơn 4.000 ha, giúp đảm bảo mía nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, Công ty đang triển khai chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng mía năm 2010 như: Mỗi ha đất đang trồng cây lâu năm nay chuyển sang ký hợp đồng trồng mía ổn định lâu dài với công ty từ 3 năm trở lên được hỗ trợ 2,5 triệu đồng; ứng trước vốn đầu tư cho các hộ dân vay chăm sóc mía 17 triệu đồng/ha trồng mới, trồng lại; 10 triệu đồng/ha chăm sóc mía lưu gốc. Xây dựng thí điểm các mô hình trồng mía trên đất xấu, đồi núi dốc, để qua đó tổ chức cho nông dân tham quan học tập và nhân rộng ra toàn tỉnh.



(TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường