Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những nguy cơ chính của nền kinh tế thế giới năm 2007
05 | 10 | 2007
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và khả năng các thị trường bất động sản nguội đột ngột đang trở thành những nguy cơ chính đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2007, sau một năm hồi phục mạnh mẽ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 5/12 tuyên bố sẽ hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm tới xuống dưới 4,9%, mức ước đạt năm nay. Nhà kinh tế chủ chốt John Lipsky tỏ ra lo ngại về đà giảm giá liên tục gần đây của đồng USD so với đồng Euro và một số đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Tuy nhiên, IMF cho rằng, môi trường tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn thuận lợi. Thế giới vẫn tiếp tục được hưởng lợi nhờ giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất kể từ thập kỷ 1970, với mức tăng trưởng trung bình 5%/năm trong 4 năm qua. Giá dầu thế giới thời gian qua có lúc tăng lên mức kỷ lục (gần tới ngưỡng 80 USD/thùng), nhưng đã không hãm đà tăng trưởng kinh tế. Vòng đàm phán Đôha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tuy bị đình trệ, song thương mại toàn cầu vẫn phát triển, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của 30 nước thành viên OECD sẽ đạt 2,5% năm 2007 và tăng lên 2,7% năm 2008. Mức tăng GDP của Nhật Bản được điều chỉnh giảm từ 2,2% xuống 2% trong năm tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và một số nền kinh tế mới nổi khác vẫn ở mức cao.

OECD cũng cảnh báo khả năng tài chính của các hộ gia đình nhìn chung khó có thể đối phó được nếu giá cả bất động sản giảm đột ngột. Tỷ lệ lãi suất thấp đã thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thông qua giá nhà đất, song yếu tố giá cả này vẫn không ổn định, nhất là ở Mỹ, Đan Mạch, Pháp và Tây Ban Nha.

OECD dự báo, tình trạng mất cân đối tài khoản vãng lai của Mỹ sẽ bớt tồi tệ hơn, trong khi mức tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng sẽ chậm lại. Tuy nhiên, tình trạng mất cân đối này của Mỹ nếu đảo chiều sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn về tỷ giá hối đoái và làn sóng tăng lãi suất toàn cầu, kéo theo các thị trường nhà đất và xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề.



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường