Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các qui định nhập khẩu thủy sản vào thị trường Canađa
17 | 12 | 2009
Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm Canađa (CFIA) kiểm soát trên 1.000 nhà nhập khẩu thủy sản của nước này. Theo Chương trình Thanh tra Nhập khẩu thủy sản của CFIA, các nhà nhập khẩu thủy sản để tiêu thụ trên thị trường nội địa phải có Giấy phép nhập khẩu thủy sản hoặc Giấy phép nhập khẩu Chương trình quản lý chất lượng từ CFIA.
Các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm của họ đáp ứng các qui định của Canađa gồm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do cơ quan Y tế của Canađa thiết lập. Các lô hàng không đáp ứng yêu cầu không được bán trên thị trường Canađa.
 
Tất cả các nhà nhập khẩu thủy sản được cấp phép phải đáp ứng theo các qui định sau:
+ Các lô hàng phải được kiểm tra trước khi đưa ra thị trường Canađa tiêu thụ.
+ Các nhà nhập khẩu phải thông báo cho CFIA về các lô hàng nhập khẩu trong vòng 48 giờ.
+ Các nhà nhập khẩu bắt buộc phải giữ đầy đủ và chính xác các hồ sơ ghi chép của mỗi lô hàng để dễ dàng truy xuất nguồn gốc của các lô hàng này.
+ Các nhà nhập khẩu phải có được thông tin về qui trình chế biến và kiểm soát trong quá trình sản xuất của các sản phẩm đóng hộp và thủy sản ăn liền mà họ nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu có Giấy phép nhập khẩu Chương trình quản lý Chất lượng (QMPI) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
-  Các nhà nhập khẩu phải xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng được công nhận để chứng minh cách mà họ đáp ứng yêu cầu, ít nhất là ở mức tối thiểu như tần suất thanh tra sản phẩm, các phương pháp và các tiêu chuẩn do CFIA thiết lập.
- Một khi đã được CFIA chấp nhận, các nhà nhập khẩu phải thực hiện và tuân thủ theo đúng như yêu cầu trong Giấy chứng nhận QMPI.
- Các nhà nhập khẩu phải gửi tất cả các kết quả thanh tra sản phẩm tới CFIA.
- CFIA sẽ kiểm tra các nhà nhập khẩu để đảm bảo rằng họ vẫn đang đáp ứng các điều kiện như trong giấy phép được cấp.

Thanh tra CFIA

Thuỷ sản và các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Canađa được kiểm tra nhằm ngăn chặn các sản phẩm có chất lượng kém và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường.
CFIA sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên mối nguy rủi ro nhằm xác định tần suất kiểm tra sản phẩm nhập khẩu. Tần suất kiểm tra sẽ thay đổi dựa trên mối nguy rủi ro về an toàn thực phẩm, quá trình tuân thủ của nhà chế biến trong quá khứ, và nước xuất xứ của sản phẩm. Cơ quan Y tế Canađa quan tâm tới các đánh giá mối nguy rủi ro đối với các sản phẩm cụ thể và cơ quan này phải chịu trách nhiệm thực thi các hướng dẫn về các hoá chất do cơ quan Y tế Canađa xây dựng.
Các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ các nhà máy chế biến – không trực tiếp đưa hàng vào thị trường Canađa - được kiểm tra với tỷ lệ 100%, có nghĩa là một mẫu thủy sản đại diện được lấy và được kiểm từ mỗi lô hàng đầu tiên.
Tần suất kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu đối với các lô hàng tuân thủ đúng như sau: 2% tổng số lô hàng được lấy để phân tích các yếu tố liên quan đến sức khoẻ và an toàn thực phẩm như phân tích nhãn hiệu, trên 5% tổng số lô hàng lấy để phân tích độ an toàn và sức khoẻ như thuỷ ngân hoặc dư lượng kháng sinh. Phương pháp dựa trên mối nguy này đã đưa ra tỷ lệ cao về độ tin cậy trong mức độ tuân thủ và độ an toàn của các sản phẩm nhập khẩu.
Các lô hàng được chọn để kiểm tra được lấy mẫu theo các thủ tục của CODEX Alimentarius đã được quốc tế công nhận, tiêu chuẩn quốc tế này do Uỷ ban an toàn thực phẩm xây dựng. Phương pháp tiếp cận này đã khẳng định rằng mẫu phân tích chính là đại diện của lô hàng.
Chuyên gia của CFIA và nhân viên các phòng kiểm nghiệm tư nhân được công nhận sử dụng công nghệ khoa học cấp nhà nước nhằm tiến hành các kiểm nghiệm chuyên sâu. Các phòng kiểm nghiệm thực phẩm này kiểm tra một loạt các hoá chất  và các chất ô nhiễm sinh học như dư lượng kháng sinh,  thuốc trừ sâu, kim loại, mầm bệnh do vi khuẩn, độc tố biển và chất phụ gia thực phẩm.
Các kết quả kiểm nghiệm thường cho thấy một vấn đề cụ thể liên quan tới một sản phẩm cụ thể, một nhà máy chế biến, hoặc nước xuất xứ… CFIA có thể tăng cường tỷ lệ kiểm tra lên 100%.
Nếu một lô hàng không đáp ứng các quy định của Canađa, và sản phẩm không tuân thủ theo qui định, thì toàn bộ lô hàng sẽ không được xuất khẩu vào thị trường Canađa hoặc bị huỷ. Bên cạnh đó, nhà chế biến nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách cảnh báo nhập khẩu của CFIA và các sản phẩm xuất khẩu vào Canađa sẽ bị kiểm tra với tỷ lệ 100% cho tới khi 4 lô hàng kế tiếp đáp ứng được các qui định của Canađa.
Nếu CFIA nhận thấy các sản phẩm không được nhà nhập khẩu xử lý thích đáng, thì sẽ triệu hồi sản phẩm này, huỷ bỏ giấy phép nhập khẩu và/hoặc truy tố theo Các qui định và Đạo luật Thanh tra Thủy sản và/hoặc Các Qui định và Đạo luật Dược phẩm và Thực phẩm.
Được biết, từ ngày 24/10 đến 1/11/2009, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Lương Lê Phương dẫn đầu đã thực hiện chuyến công tác khảo sát hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại Canađa. Trong thời gian chuyến công tác, Đoàn đã có cơ hội tiếp xúc và làm việc với Cơ quan kiểm soát thực phẩm Canađa (CFIA), Bộ Y tế Canada, Cơ quan Phát trển quốc tế Canađa (CIDA), Bộ Nông nghiệp và Thủy sản tỉnh Quebec và Hiệp hội nông dân tỉnh Quebec để tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; đánh giá sự khác nhau về hệ thống chất lượng giữa Việt Nam và Canađa và nhận diện các điểm mạnh của Canađa để tham khảo, học hỏi nhằm nâng cao hệ thống chất lượng và an toàn thực phẩm ở Việt Nam.


(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường