Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI, hiện tại trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 3 – 4 côngtennơ, chưa đầy 100 tấn/ngày sản phẩm đông lạnh được nhập khẩu qua sự kiểm soát của cơ quan này.
Do số lượng ít nên không xảy ra tình trạng ùn tắc thực phẩm đông lạnh tại cảng ở khu vực TP.HCM. Trong vòng một tháng qua, cơ quan Thú y vùng VI chỉ phát hiện duy nhất một lô hàng (28 tấn) nhiễm khuẩn và đã được tái xuất.
Ông Bình cho biết thêm, lượng thịt nhiễm khuẩn trước đó cũng đã được tái xuất gần hết, hiện chỉ còn lại lô hàng 78 tấn dồi trường của Công ty Việt Phong và một doanh nghiệp khác còn 1 lô. Tổng lượng thịt và sản phẩm đông lạnh nhập khẩu nhiễm khuẩn chờ tái xuất hiện còn chưa tới 100 tấn.
Đối với việc nhập khẩu trâu bò, theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện mới chỉ có 9 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch trâu bò nhập khẩu, với số lượng đăng ký 5.700 con trâu bò giống, 47.000 con trâu bò thịt… tuy nhiên toàn bộ số trâu bò này đều có nguồn gốc chính ngạch từ Thái Lan.
Trong khi đó, ngành thú y các tỉnh có đường biên giới giáp ranh với hai nước Lào và Campuchia thừa nhận có một lượng trâu bò khổng lồ được đưa từ từ hai nước này vào Việt Nam.
Thế nhưng, ông Phùng Thanh Phong, Phó phòng kiểm dịch, Cục Thú y giải thích, chỉ có thể kiểm soát được lượng trâu bò nhập khẩu theo đường chính ngạch và một phần tiểu ngạch, còn lại là hoàn toàn nhập lậu và không thể thống kê được số lượng là bao nhiêu.
Theo điều tra của cơ quan này, hình thức buôn lậu của các lái bò xuyên biên giới đều lợi dụng vào người dân tại khu vực vùng biên làm công cụ buôn lậu. Tại biên giới Tây Nam, lợi dụng mùa nước lên, người dân lùa trâu, bò sang Campuchia tránh lũ, dân buôn lậu thường trà trộn trâu bò từ Thái Lan, Campuchia… và đưa vào tiêu thụ trong nước.
Còn tại khu kinh tế Lao Bảo (Quảng Trị), nơi được coi là điểm buôn lậu trâu bò nóng nhất hiện nay, các chủ hàng Việt Nam qua biên giới thuê đất, lập các bãi tập kết rồi thuê người dắt qua biên giới.