Các bà nội trợ bắt đầu nhận thấy giá thịt lợn, thịt gia cầm nhích lên khoảng một tuần nay. Nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng với tâm lý giữ hàng chờ Tết khiến giá thực phẩm trên thị trường đang hình thành một mặt bằng mới.
Nhà có bé 6 tuổi thích ăn thịt gà, chị Hằng (Gia Lâm) không dễ bỏ qua thực phẩm này khi đi chợ. Bình thường, giá gà ta lông chỉ 60.000 đồng/kg, thì sáng 22/12, chị bán hàng thông báo đã tăng lên 65.000 đồng. Thậm chí, gà ta "xịn" còn lên tới 67.000-70.000 đồng/kg (nuôi ở Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Hà Nam...).
Mặt hàng gà công nghiệp làm sẵn 3 ngày nay cũng tăng từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng/kg.
Tại chợ Gia Lâm, một tiểu thương cho biết giá thịt lợn tuần này đã tăng vài chục nghìn đồng/tạ hơi. Các quầy cũng khó gom hàng hơn trước.
Nguyên nhân, theo Nguyễn Thị Hoa - một tiểu thương bán thịt lợn - là do giá gạo, giá cám tăng. Hơn nữa, các hộ chăn nuôi đang gom giữ hàng, chờ đến Tết mới xuất chuồng. Song, bà Hoa nói tuy có nhích lên chút ít, nhưng về cơ bản giá bán lẻ thịt lợn tăng không đáng kể.
|
Thịt gia cầm đã tăng giá từ khoảng một tuần nay. (Ảnh: Phạm Hải) |
Đầu vào tăng
Tin từ Bộ Tài chính - hướng dẫn Thông tư số 216 - từ 1/1/2010, thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) chính thức điều chỉnh theo mức mới, theo hướng tăng khá mạnh ở nhiều nhóm thiết yếu. Chẳng hạn, bắp từ 0% lên 5%; bột cá, bột xương thịt 0% lên 5%; cám mì 0% lên 5%, bột mì 10% lên 15%; dầu cá 5% lên 7%...
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cho biết, 70% nguyên liệu phải nhập khẩu từ các thị trường chịu mức thuế tăng.
Năm nay do thiếu ngô, 6 tháng đầu năm Việt Nam phải nhập 600.000 tấn. Khô dầu đậu tương nhập 100%, với gần 2.000 tấn, chưa kể một số loại thức ăn bổ sung cũng phải nhập khẩu hết.
Một cán bộ Công ty CP Việt Pháp Proconco nói rằng, giá TACN trong nước tăng từ đầu tháng 12 do nguyên liệu đầu vào tăng.
Ví dụ, sắn tăng từ 1.800-2.000 đồng/kg (năm 2008) lên 3.900 đồng/kg do Trung Quốc đẩy mạnh thu mua làm tinh bột, dẫn tới khan hiếm. Ngô 1-2 tháng trước đây chỉ 3.500 đồng/kg, nay lên hơn 5.000 đồng. Cám gạo từ 3.800-4.000 đồng/kg, nay giữ ở mức 5.000 đồng.
Vị Phó Tổng giám đốc này dự đoán, xu hướng giá nguyên liệu làm TACN còn tăng nữa. Do vậy, công ty phải tăng giá bán khoảng 1,5% so với trước, như thức ăn đậm đặc tăng 200 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp tăng 100 đồng/kg.
Tuy nhiên, sau 1/1/2010, giá nguyên liệu nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng, không những đậu tương, ngô, bột cá, bột thịt... nhập từ Argentina, Ấn Độ mà kể cả Thái Lan (trong khối ASEAN, không phải tăng thuế) cũng "té nước theo mưa", tăng theo.
Chẳng hạn, theo tính toán của một DN, giá bắp nhập khẩu hiện khoảng 240 USD/tấn, nếu nhân 5% thuế sẽ phải cộng thêm 12 USD, tương đương 222.000 đồng/tấn, tức 110 đồng/kg. Cộng thêm một số loại nguyên liệu chịu mức thuế khác nữa, chắc chắc chi phí đầu vào thực phẩm sẽ cao hơn 500-1.000 đồng/kg so với trước.
|
Giá cả thực phẩm sẽ còn tăng từ nay đến Tết Nguyên đán 2010. (Ảnh: dostquangtri) |
Do vậy, vị phó tổng này nhận định, năm tới giá TACN còn tăng, muộn nhất là đầu tháng 1/2010.
Ông cho rằng sẽ có một đợt tăng giá mới bởi bản thân các nhà máy sản xuất thức ăn cũng đứng trước nguy cơ hoặc là đóng cửa, hoặc phải buộc bán với giá cao lên.
Không lo khan hàng
Trả lời PV, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) công nhận, giá TACN đã tăng 20% bởi các DN vừa rồi vẫn phải nhập vào thời điểm giá nguyên liệu thế giới cao. Hơn nữa, cũng không thể tránh chuyện các DN đón trước việc tăng thuế để tăng giá.
"Trên thực tế, giá nguyên liệu TACN trong nước liên tục tăng... nhưng việc tăng này không kịp tốc độ tăng giá của TACN. Tuy vậy, xu hướng tất yếu là giá thực phẩm từ nay đến Tết còn tăng nhưng không đột biến", ông Sơn nói.
Hơn nữa, năm nay, do siết chặt nhập khẩu thịt "ngoại" nên các DN nhập về không nhiều.
Lượng thịt và sản phẩm đông lạnh nhập khẩu giảm mạnh tại TP.HCM, khoảng 70-80%, so với cùng kỳ năm 2008. Hiện trung bình mỗi ngày TP.HCM - thị trường tiêu thụ thịt lớn, cũng chỉ có 3-4 container với chưa đầy 100 tấn sản phẩm thịt đông lạnh/ngày, được nhập về.
Ông Sơn cho rằng không có chuyện "găm" hàng chờ Tết vì lợn, gà nuôi đến kỳ là phải bán, không như tích trữ thóc gạo.
Dầu vậy, có thể có chuyện người nuôi canh chừng lứa, độ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng, không xuất chuồng để chuẩn bị đón Tết. Ông khẳng định năm nay cũng không khan hiếm thực phẩm bởi số lượng nuôi trong dân tăng mạnh.
Đến cuối năm, tổng đàn cả nước khoảng 280 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng đàn lợn cũng tăng 4% và lượng bò thịt tăng 12%.
Quay trở lại chuyện Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế vào thời điểm "nhạy cảm" cận Tết Nguyên đán, có ý kiến cho rằng, cuối cùng chỉ người tiêu dùng là thiệt vì giá thực phẩm bị điều chỉnh tăng. Trong khi đó, thuế suất nhập khẩu giảm thì giá thực phẩm lại giảm không đáng kể và khó có thể kiểm soát.
Thay vào đó, tại sao không gảm thuế VAT 5% để người tiêu dùng được hưởng lợi?
Theo ông Lịch, thuế nhập khẩu nguyên liệu 5% cộng với VAT 5% đương nhiên làm khung giá TACN sẽ tăng 5-10%, ảnh hưởng lớn đến giá thực phẩm. Do vậy, vị lãnh đạo Hiệp hội cho biết sau khi văn bản của Bộ Tài chính có hiệu lực sẽ kiến nghị Chính phủ về bình ổn giá nguyên liệu đầu vào, mà cốt lõi vẫn là việc dự trữ nguyên liệu, đề phòng giá lên.